Đó là tôn chỉ của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đối với người lao động trong những năm qua. Vì vậy, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được quan tâm thực hiện có chiều sâu, bởi sự chung tay vào cuộc của Chính quyền, cũng như Công đoàn cùng cấp.
EVNSPC quản lý, phân phối, bán điện trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam (Từ Ninh Thuận – Lâm Đồng đến Mũi Cà Mau), với tổng số gần 22 nghìn CNVC-NLĐ, trong đó hơn 13 nghìn lao động trực tiếp, hàng ngày có gần 200.000 nhóm làm việc trên lưới điện trải khắp tại 21 tỉnh/thành nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ).
Các Công ty Điện lực (PC) trực thuộc EVNSPC có đặc điểm địa hình phức tạp, điển hình như PC Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận đồi núi hiểm trở, thường có mưa, lũ, sạt lở đất. Các PC Bình Phước, Tây Ninh… thời tiết nắng nóng kéo dài, đường giao thông nhỏ hẹp, xuống cấp, quanh co, trơn trượt. Các PC phía Tây Nam bộ nằm ở vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt, mưa lũ, triều cường, hạn hán xâm nhập nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn bất lợi.
(Kiểm tra dụng cụ an toàn đo lường thi công tại Đội sản xuất)
Ra công trường là phải an toàn tuyệt đối
Nếu không an toàn thì tuyệt đối không làm việc, đó như là câu “thần chú” mà bất kỳ công nhân điện nào cũng phải ghi nhớ, nhất là những khu vực làm việc nơi địa hình phức tạp, các Đội sản xuất đang đóng ở khu vực vùng sâu vàng xa và vùng cao. Chính vì vậy mà công tác ATVSLĐ lao động được lãnh đạo EVNSPC quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cải thiện môi trường làm việc, trang cấp đầy đủ các công cụ dụng cụ, trang bị thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Hàng ngày, Kỹ sư an toàn đi kiểm tra trực tiếp hiện trường làm việc, nhắc nhở người lao động (NLĐ) tránh tình trạng chủ quan, lơ là. Hướng dẫn NLĐ phát huy tốt vai trò, chức năng trong việc nhận diện, cảnh báo mối nguy và kiến nghị biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh nguy cơ sự cố, tai nạn khi thực hiện công việc tại hiện trường. Bên cạnh đó các đơn vị còn thực hiện tốt công tác sinh hoạt an toàn ngày/tuần, kiểm tra kiểm soát an toàn, phổ biến phương án tổ chức thi công biện pháp an toàn, khảo sát hiện trường… hạn chế tình trạng làm bừa, làm ẩu, làm việc không có trong kế hoạch.
(Sinh hoạt an toàn tại hiện trường trước khi làm việc trên lưới điện của Đội sửa chữa điện nóng Hotline)
Khi ra công tác tại hiện trường, trưởng nhóm công tác phải triển khai thực hiện các biện pháp an toàn, chế độ phiếu công tác/phiếu thao tác, sau đó sử dụng điện thoại smatphone chụp ảnh nhóm công tác, vị trí công tác đưa vào phần mềm “Giám sát an toàn”. Phần mềm này từ cấp Điện lực, Công ty Điện lực, Tổng công ty đều giám sát được tình hình thi công của từng nhóm công tác dễ dàng.
Vai trò của Công đoàn trong công tác ATVSLĐ
Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, lãnh đạo EVNSPC đã phối hợp với Công đoàn cùng cấp, quyết liệt thực hiện các giải pháp, tập trung chấn chỉnh công tác ATVSLĐ. Cụ thể như xây dựng và giám sát việc thực hiện điểu kiện làm việc, sửa đổi các quy chế, quy định về chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến công tác ATVSLĐ. Tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể; Nội quy lao động trong EVNSPC. Tổ chức đối thoại với người người sử dụng lao động các vấn đề liên quan đến ATVSLĐ, chế độ chính sách, lương thưởng, môi trường làm việc.
Công đoàn EVNSPC phối hợp với chuyên môn tham gia kiểm tra tổng thể công tác quản lý ATVSLĐ tại các đơn vị, kiểm tra, kiểm soát đột xuất an toàn lao động tại hiện trường, đặc biệt là đối với các công việc có nguy cơ mất an toàn cao. Phối hợp, giám sát thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho 100% NLĐ, thực hiện điều dưỡng phục hồi chức năng lao động cho người lao động có sức khỏe loại 4,5 bệnh nghề nghiệp.
Tuyên truyền, vận động CNVC-NLĐ nêu cao ý thức tự bảo vệ mình, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, quy định về ATVSLĐ. Thực hiện đầy đủ, đúng phương án, biện pháp an toàn đã được phê duyệt khi thực hiện công việc trên lưới điện, không tự ý công tác ngoài phạm vi cho phép. Kiên quyết từ chối làm việc nếu “không có phiếu/lệnh công tác, không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, không được nghe phổ biến nội dung công việc cụ thể”.
(Ký kết Quy chế phối hợp giữa Công đoàn và người sử dụng lao động trong EVNSPC)
Phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa an toàn lao động với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Tổ chức xây dựng văn hóa an toàn lao động ở các cấp, hình thành thói quen với việc thực hiện các quy định ATVSLĐ của đơn vị để NLĐ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc.
Dưới sự quản lý và hướng dẫn của tổ chức Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) được bố trí và duy trì hoạt động hiệu quả. ATVSV phối hợp với Kỹ sư an toàn về chuyên môn, kỹ thuật ATVSLĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị cơ sở. Vai trò của đội ngũ ATVSV trong các đơn vị vừa là người hướng dẫn vừa là người theo dõi, giám sát và kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
An toàn vệ sinh viên bố trí đồng đều - hoạt động khép kín
Tại các đơn vị sản xuất bố trí ít nhất 01 ATVSV, tổ sản xuất hoạt động phân theo ca hoặc có số lượng từ 15 NLĐ trở lên bố trí không quá 3 ATVSV. Công việc phân tán theo nhóm từ 5 người trở lên, những công việc thường xuyên dài ngày theo nhóm từ 02 người trở lên ưu tiên bố trí có 01 ATVSV. Định kỳ 2 năm, CĐCS quyết định số lượng ATVSV của từng tổ sản xuất phù hợp với tình hình thực tế và hướng dẫn về thời gian, trình tự, thủ tục để họp bầu ATVSV.
Mạng lưới ATVSV có nghĩa vụ đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ sản xuất chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATVSLĐ, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy ATVSLĐ, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về ATVSLĐ và những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư nơi làm việc.
Mạng lưới ATVSV có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành để đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; Yêu cầu người lao động ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ nếu thấy có nguy cơ gây sự cố, tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó; Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động.
(Màng lưới ATVSV kiểm tra tham gia và nhắc nhở tại hiện trường làm việc của Tổ, nhóm công tác)
Hằng năm, mạng lưới ATVSV được tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động dành riêng cho ATVSV. Phát huy hiệu quả công tác nhận diện, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ mất ATLĐ, các yếu tố có hại tại nơi làm việc. Đề xuất kiến nghị với chuyên môn các biện pháp khắc phục, loại trừ nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh cho NLĐ.
Ngoài ra, việc chăm lo, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho ATVSV để động viên, khuyến khích ATVSV hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới được EVNSPC thực hiện rất tốt.
Nhình chung, công tác ATVSLĐ đã được Lãnh đạo EVNSPC quan tâm đúng mức, góp phần tạo tâm lý tốt cho NLĐ, để NLĐ an tâm hơn trong mọi nhiệm vụ được giao, nhất là khi làm việc tiếp xúc với môi trường đang mang điện. Từ đó góp phần làm giảm tai nạn, bệnh nghề nghiệp và những rủi ro cho đội ngũ công nhân ngành điện miền Nam./.
Tác giả: Lê Văn Tám