Khóa đào tạo “Văn hóa học tập” do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức đã kết thúc vào ngày 28/11/2023 nhưng những tin nhắn, câu hỏi của học viên tương tác với giảng viên; trao đổi giữa các học viên với nhau cùng những lời thăm hỏi, động viên thắm tình đoàn kết, thân ái giữa các học viên EVNNPT làm tôi rưng rưng xúc động. Bao ký ức của những ngày học tập cùng thày cô, đồng nghiệp lại ùa về trong tôi với đầy đủ cung bậc cảm xúc: từ háo hức, hăng hái đến hồi hộp, lo âu, thấp thỏm để rồi vỡ òa trong hạnh phúc…
Nhận thông báo được cử đi học lớp 1 khóa đào tạo “Văn hóa học tập” do EVNNPT phối hợp với Công ty Cổ phần PeopleOne tổ chức, Công ty Truyền tải điện 1 đăng cai, triển khai thực hiện trong các ngày 21-22/11/2023, tôi vừa vui mừng, phấn khởi vừa hồi hộp, lo âu. Nhìn lướt qua danh sách 51 học viên, tôi vui vì được gặp lại các đồng nghiệp đã “biết mặt, biết tên” từ trước xen lẫn tò mò trước những học viên “có tiếng” mà chưa biết mặt và tự kỉ với chiều hướng khá tiêu cực: U50 như mình rồi, học được gì nhỉ?
Mang tâm lý tự ti như thế, sáng 21/11, tôi “nhập học” qua hình thức Zoom Meeting kiểu “Ờ, ta ngồi nghe vậy”, “nghe được gì hay cái đó”!!! Nhưng khi vừa được Ban Tổ chức “duyệt” vào lớp, kết nối với lớp học, tôi “Ồ” lên nho nhỏ khi thấy giảng viên Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty PeopleOne trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho chúng tôi. Gì chứ nói đến thày Lê Thanh Hải quá nổi tiếng rồi, lớp tôi và tôi lần này vinh dự được thày giảng trực tiếp đó, chứ thày “chuyên” giảng dạy cho lớp đối tượng là lãnh đạo mà - tôi biết vậy.
Với bất ngờ nho nhỏ đó, tâm trạng học tập của tôi auto lên “level” ngay. Tôi ngồi chăm chú nghe thày dạy. Mải nghe, tôi “giật mình” khi thấy thày gọi tên - một tâm lý thường thấy của các học sinh, học viên khi chưa đủ tự tin. “Thôi, nghĩ gì nói vậy, biết gì nói thế”, sau màn tự tự trấn an mình như thế, tôi “rụt rè” lên tiếng phát biểu.Chăm chú lắng nghe, đưa ra nhận xét và động viên - một lần nữa thày lại truyền cho tôi thêm động lực, tự tin trong suốt hành trình học tập 3 ngày.
Và cứ thế, dần dần tôi đã chủ động tham gia tích cực, còn “xung phong” phát biểu nữa chứ (ghê chưa, lạ lắm à nha!!!) Không chỉ tích cực phát biểu, tương tác với thày Lê Thanh Hải, khi cô Nguyễn Thị Thu Trang giảng, tôi cũng nhiệt tình tham gia, dù có chỗ tôi tự thấy, ý kiến và suy nghĩ của mình chưa đúng, trúng lắm. Nhưng không sao, “biển học là vô bờ”, nói ra những gì mình không biết, chưa biết rõ, rồi thày cô và đồng nghiệp “chỉnh lại”, góp ý thêm thì càng nhớ lâu hơn. “Học từ chính thất bại, sai lầm của mình”, “học từ việc lắng nghe, chia sẻ với đồng nghiệp” cũng là một hình thức triển khai Văn hóa học tập mà - tôi nhớ thế!
Giảng viên Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty PeopleOne truyền đạt kiến thức
Trong tâm thế hào hứng học tập, tôi chăm chú lắng nghe thày Hải, cô Trang giảng dạy. Với kiến thức sâu rộng, cách truyền đạt cuốn hút, khả năng sư phạm và tôn chỉ “lấy người học làm trung tâm, sự hài lòng của học viên là thước đo cho chất lượng”, tôi hiểu được tổ chức học tập là gì; nắm được 5 đặc điểm của tổ chức học tập, 4 mô hình tổ chức học tập, 4 chức năng của tổ chức học tập; hiểu được cá nhân và lãnh đạo được gì khi làm việc trong tổ chức học tập đồng thấy được tầm quan trọng học tập, vai trò của văn hóa học tập đối với sự phát triển của tổ chức; mối quan hệ của văn hóa học tập với tổ chức học tập; lợi ích chung của việc xây dựng văn hóa học tập; lợi ích của văn hóa học tập đối với nhân viên, nhà quản lý cùng với đó là 20 nhóm nhiệm vụ xây dựng văn hóa học tập. Không chỉ khơi gợi sự hào hứng của học viên để trao đổi, chia sẻ, tăng khả năng ghi nhớ kiến thức ngay tại lớp cho học viên, chúng tôi được tăng thêm khả năng ghi nhớ ngắn hạn, ôn lại kiến thức qua phần kiểm tra để rồi có thêm ghi nhớ dài hạn qua làm bài thu hoạch cá nhân, tham gia tham luận tại Hội thảo cùng với việc rèn luyện kỹ năng thuyết trình, phát triển tư duy sáng tạo, làm việc nhóm…
Trong các buổi học, tôi cũng được xem các video clip về các doanh nghiệp tiêu biểu về văn hóa học tập. Nhìn lại thành công của các Tập đoàn, Công ty nổi tiếng như: Microsoft, General Electric, Toyota,… tôi thấy: chiến lược kinh doanh, triết lí, tầm nhìn, slogan… giữa các Tập đoàn, Công ty có thể khác nhau nhưng tất cả các Tập đoàn, Công ty thành công này có chung một văn hóa học tập mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi những “thuyền trưởng” tài ba với tư duy phát triển, đổi mới, sáng tạo, không ngừng học hỏi, truyền cảm hứng, khuyến khích tinh thần học tập cho nhân viên.
Qua 2 ngày học và Hội thảo, ngoài kiến thức được thày Hải, cô Trang truyền đạt, tôi học hỏi được nhiều từ chính những đồng nghiệp, những anh chị học viên thân yêu trong lớp như các chị Lý Minh Hằng, Cẩm Hường, Ngọc Dung, Vân Anh, Ngọc Ánh anh Hoàng Minh Hậu, Vũ Hà, Huỳnh Võ, Bảo Toàn, Trung Hiếu, Tăng Thế Hải (lớp 1), chị Hà Vy, các anh Trung Hiếu, Cảnh Toàn, Nguyễn Việt (lớp 2)… Nhiều anh chị với tư duy sắc bén, kỹ năng thuyết trình và ý tưởng độc đáo đã làm tôi “mắt tròn, mắt dẹt”, liên tục “bắn tim”, “thả like” thán phục, đầy ngưỡng mộ và tự hỏi: Tại sao các anh chị lại giỏi thế, siêu thế???
Học viên Nguyễn Cảnh Toàn - Truyền tải điện Gia Lai – Công ty Truyền tải điện 3 chia sẻ kiến thức
Không chỉ có được những kiến thức học tập, tôi và các học viên còn được “học kết hợp với hành”, được trải nghiệm từ lý thuyết đến áp dụng thực tế. Trong thời gian ngắn, với tình huống giả định là Trưởng nhóm tôi cũng “vã mồ hôi” khi loay hoay sử dụng công cụ học tập trên môi trường mạng; trải nghiệm để hiểu và nhận ra những khó khăn, vất vả khi đứng trên cương vị lãnh đạo, học sử dụng các kỹ năng mềm để mọi thành viên cùng chung sức đồng lòng, tự nguyện và tham gia tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tại đây, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và cảm động khi nhận được sự động viên, khích lệ của các thành viên trong Nhóm 5. Quên sao được những tin nhắn, những câu nói ấm lòng, những tràng pháo tay “số”, những biểu tượng hình trái tim rực đỏ và nút like ngập tràn khi chúng tôi phát biểu, thuyết trình. Tất cả đã truyền niềm tin, tạo động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn, để rồi dù 21-22h tối, chúng tôi vẫn í ới gọi nhau “online” làm việc nhóm, cùng nhau thảo luận say sưa - một tinh thần rất “Văn hóa học tập”!
Và rồi, “trồng cây rồi cũng đến ngày hái quả”. Sáng 28/11, nhóm 5 lớp 1 chúng tôi lại được dịp hội ngộ, gặp lại thày cô, Ban Tổ chức lớp và hơn 90 học viên để cùng trình bày tham luận nhóm về “Văn hóa học tập” . Hơn 3 tiếng đồng hồ trôi qua, tôi không hề thấy mỏi mệt dù tương tác với thày cô trên môi trường mạng bởi những kiến thức rất bổ ích, hấp dẫn mà các anh chị học viên chia sẻ; bởi sự dẫn dắt, phân tích nhận định, đánh giá của giảng viên và sự lắng nghe, hỗ trợ tích cực từ phía Ban Tổ chức lớp.
Tôi gần như nín thở khi nhóm 5 lớp 1 của chúng tôi thuyết trình. Đã là bà mẹ của sinh viên năm thứ ba, bao năm mòn ghế nhà trường và giảng đường, “chinh chiến” rất nhiều cuộc thi cử, sao tâm lý đi thi, trả lời vấn đáp của tôi vẫn hồi hộp như thuở đôi mươi ngày nào! Là nhóm thuyết trình cuối cùng khi đồng hồ đã điểm 11h15 phút nhưng không khí lớp vẫn sôi nổi, giảng viên và học viên đều chăm chú lắng nghe, đưa ra nhận xét, phản biện. Ơn giời, cuối cùng nhóm tôi cũng thuyết trình xong! Chúng tôi ai nấy thở phào nhẹ nhõm, tự cổ vũ lẫn nhau. Với tôi, dù kết quả như thế nào không quan trọng nữa bởi chúng tôi đã chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng sức ì, đã nỗ lực hết sức, làm việc với tinh thần “mình vì mọi người”. Ta phải tự tưởng thưởng, tự khích lệ mình, làm việc với sự đam mê, nhiệt huyết và niềm tin mãnh liệt - đó cũng là một trong những điều tôi học được qua lớp “Văn hóa học tập” này.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một trong những dòng chảy chính của thời đại, bất cứ quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào muốn không bị “bỏ lại phía sau” thì nhất thiết phải nhanh chóng tiếp cận tri thức, tích cực học tập, bắt kịp những thành tựu tiến bộ của khoa học-công nghệ để thúc đẩy đất nước, doanh nghiệp, tổ chức phát triển.
Thực tế cho thấy, văn hóa học tập không chỉ đảm bảo tổ chức đổi mới, phát triển mạnh mẽ, tăng cường khả năng cạnh tranh mà còn xây dựng thương hiệu, thu hút, giữ chân nhân tài, phát triển các nhà lãnh đạo tương lai làm tăng sự tham gia, sự hài lòng, gắn kết của nhân viên, nâng cao năng suất, cải thiện hiệu quả công việc…
Chỉ thị liên tịch số 1326/CTLT-CĐ ngày 11/4/2023 giữa Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn EVNNPT về việc phát động thi đua chủ động học tập trong toàn EVNNPT, xây dựng EVNNPT trở thành tổ chức học tập.
Giữ vai trò “xương sống” trong ngành Điện, EVNNPT hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, sự thay đổi công nghệ và các vấn đề về môi trường. Để đáp ứng những thách thức này và đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong EVN/EVNNPT, từ khóa học này, tôi nhận thấy, để đẩy mạnh và lan tỏa Văn hóa học tập trong EVNNPT, rất cần có sự cam kết, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, triển khai Văn hóa học tập mạnh mẽ trong EVNNPT theo định hướng Văn hóa EVN với tất thảy niềm tin, đề cao sự xây dựng tín nhiệm bằng chất lượng sản phẩm cùng tinh thần tiên phong, sáng tạo và trách nhiệm, trước mắt là tiếp tục thực hiện Chỉ thị liên tịch số 1326/CTLT-CĐ ngày 11/4/2023 giữa Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn EVNNPT về việc phát động thi đua chủ động học tập trong toàn EVNNPT, xây dựng EVNNPT trở thành tổ chức học tập.
CBCNV EVNNPT quyết tâm chung sức đồng lòng xây dựng Văn hóa học tập trong EVNNPT
Là một trong những thành viên trong ngôi nhà chung EVNNPT, mỗi cán bộ công nhân viên như tôi cần trở thành một tuyên truyền viên tích cực, một đại sứ về văn hóa học tập, tự chủ động trong việc học hỏi và phát triển bản thân; đề xuất, tham mưu, tham gia tích cực trong quá trình học tập; không ngừng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, thử thách bản thân với công việc mới, khó khăn; luôn quan sát, trải nghiệm, áp dụng những kiến thức học được vào trong công việc, thực tế và đúc rút kinh nghiệm cho mình. Đồng thời luôn xác định học tập và phát triển là một hành trình liên tục, là một phần không thể thiếu trong công việc; học tập không chỉ phát triển bản thân mà còn đóng góp cho sự phát triển của đơn vị, Tổng công ty và ngành Điện, cùng nhau chung tay đoàn kết đẩy mạnh tinh thần học tập hướng đến mục tiêu xây dựng Tổng công ty trở thành một tổ chức có tinh thần học hỏi cao với Văn hóa học tập không ngừng ngày càng phát triển./.
Tác giả: Lê Duyên Hải - Công đoàn EVNNPT