Ngày 03/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành Chỉ thị số 6556/CT-EVN Chỉ thị về công tác an toàn. Để tăng cường hiệu quả công tác an toàn (an toàn vệ sinh lao động, an toàn điện, an toàn giao thông, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa tai nạn chết người, nội dung như sau.
Thời gian qua, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã có nhiều cố gắng thực hiện các quy định của pháp luật và của Tập đoàn trong công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn điện, an toàn giao thông, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn các tồn tại như để xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn giao thông chết người, tai nạn điện trong dân do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn nhiều. Để tăng cường hiệu quả công tác an toàn (an toàn vệ sinh lao động, an toàn điện, an toàn giao thông, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa tai nạn chết người, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Tổng giám đốc/ Giám đốc các đơn vị
a. Chỉ đạo, điều hành, giám sát công tác an toàn.
b. Phân giao quyền hạn và trách nhiệm các cấp trong quản lý người lao động.
c. Tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm nội quy, quy trình, quy định về an toàn hoặc để xảy ra tai nạn người lao động.
d. Quán triệt đến các đơn vị, người lao động về rút kinh nghiệm các vụ tai nạn người lao động.
e. Thực hiện nghiêm túc việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; căn cứ kết quả khám sức khỏe của người lao động, đơn vị rà soát, bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe cho người lao động.
f. Chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn chết người đối với người lao động.
2. Khi người lao động bị tai nạn tại đơn vị:
a. Thực hiện khai báo, báo cáo theo Điều 37 Quy định công tác an toàn ban hành kèm theo Quyết định 1221/QĐ-EVN ngày 09/9/2021, thông tin về lãnh đạo Tập đoàn, Trưởng Ban AT EVN trong vòng 02 giờ ngay sau khi xảy ra tai nạn.
b. Tổ chức điều tra/ phối hợp điều tra theo thẩm quyền để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Đối với tai nạn không thuộc thẩm quyền điều tra, các đơn vị phải tổ chức phân tích nội bộ để xác định rõ các tồn tại liên quan nhằm đưa ra giải pháp khắc phục.
c. Sau khi có kết quả phân tích/ biên bản điều tra tai nạn, biên bản công bố, các đơn vị phải báo cáo kết quả phân tích/ điều tra vụ tai nạn; các giải pháp khắc phục và phòng tránh tai nạn tương tự; hình thức xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan về EVN.
3. Công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), an toàn điện
a. Nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý các cấp
- Phân công cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, người quản lý trực tiếp, người lao động trong công tác ATVSLĐ.
- Tăng cường đào tạo, sát hạch công tác an toàn tại đơn vị.
- Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, công cụ dụng cụ làm việc cho người lao động.
- Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe người lao động và nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu cho người lao động trực tiếp sản xuất.
- Tổ chức quản lý đánh giá rủi ro theo công việc của người lao động; xử lý, khắc phục kịp thời các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đảm bảo điều kiện ATVSLĐ cho người lao động khi thực hiện công việc.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người lao động thực hiện đúng, đầy đủ nội quy, quy trình, quy định và biện pháp an toàn khi thực hiện công việc. Chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, thiếu sót, hiện tượng mất an toàn.
b. Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý công tác an toàn tại đơn vị
- Tổ chức bộ máy quản lý công tác an toàn đảm bảo nhân sự đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu chức năng nhiệm vụ được giao.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho người làm công tác an toàn.
- Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác an toàn theo Quy định công tác an toàn trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1221/QĐ-EVN ngày 09/9/2021: i) Tạm thời đình chỉ công việc khi phát hiện thấy các vi phạm hoặc các nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn; ii) Kiểm tra kiến thức, nội quy, quy trình, quy định về an toàn và đánh giá việc tuân thủ đối với tập thể, cá nhân; iii) Có quyền báo cáo vượt cấp lên bộ phận an toàn cấp trên các cấp khi lãnh đạo đơn vị không xử lý các hiện tượng mất an toàn, cố ý sai phạm, cố tình che giấu các các vụ việc xảy ra; iv) Được trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ, chi phí phục vụ chuyên môn, kiểm tra, giám sát công tác an toàn.
c. Nâng cao trình độ, kỹ năng, tính tuân thủ của người lao động
- Được quyền từ chối thực hiện công việc hoặc rời bỏ vị trí làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý: i) Không được giao thực hiện công việc; ii) Không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; iii) Không có đúng, đầy đủ các biện pháp an toàn để làm việc.
- Quán triệt đến người lao động thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình, quy định; chấn chỉnh, xử lý việc tự ý thực hiện các công việc khi chưa có sự phân công hoặc không có phiếu thao tác, phiếu công tác, lệnh công tác.
- Tăng cường phổ biến an toàn đầu giờ và/ hoặc trước khi di chuyển ra hiện trường công tác, tại hiện trường công tác, sau khi kết thúc công tác.
- Tăng cường công tác huấn luyện, sát hạch về ATVSLĐ, an toàn điện, an toàn thủy cơ nhiệt hóa: i) Hướng dẫn lập và thực hiện biên bản khảo sát hiện trường, phương án tổ chức thi công và biện pháp an toàn, phiếu thao tác, phiếu công tác, lệnh công tác và đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn; ii) Hướng dẫn nhận diện mối nguy và đưa ra biện pháp phòng ngừa phù hợp với công việc của người lao động.
d. Tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường bằng nhiều hình thức trực tiếp, chụp ảnh hoặc quay video phát hiện các hiện tượng, hành vi mất an toàn để kịp thời chấn chỉnh, xử lý: i) Không được tham gia khi sức khỏe, tâm lý không đủ điều kiện để làm việc, không có đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; ii) Đình chỉ công việc nếu không sử dụng đúng phương tiện bảo vệ cá nhân, không làm đúng và đầy đủ các biện pháp an toàn.
e. Phối hợp Công đoàn đồng cấp
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên theo Chỉ thị liên tịch số 6799/CTLT-EVN-CĐĐVN ngày 29/11/2022.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người lao động chấp hành công tác an toàn.
- Khuyến cáo, hướng dẫn người lao động trang bị thuốc theo người khi di chuyển, thực hiện công việc để có thể sử dụng ngay khi cần thiết nếu có các bệnh như dị ứng, sốc phản vệ với các dị nguyên, bệnh mãn tính,...; phát động phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe dài hạn cho người lao động.
4. Giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường thực hiện nhiệm vụ và đi làm/ về nhà
Khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình an toàn giao thông trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 915/QĐ-EVN ngày 31/8/2023.
5. Giảm thiểu tai nạn điện trong dân do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLAT)
a. Tăng cường trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành trong quản lý HLAT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát HLAT.
b. Phối hợp với chính quyền địa phương: i) Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm HLAT; ii) Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn điện trong dân có liên quan đến HLAT để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
c. Tuyên truyền hoặc phối hợp với chính quyền, cơ quan truyền thông nâng cao hiệu quả tuyên truyền HLAT về hình thức và nội dung.
6. Chỉ thị này được phổ biến đến toàn thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên, người lao động tại tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn.
Tác giả: Bộ phận TG