Trong văn chương, mùa thu là nàng thơ của thi sĩ với nào là sắc vàng của lá, mùi nồng nàn của hoa sữa. Nhưng với con, mùa thu sẽ là những cơn mưa xối xả, áp thấp và bão tố tàn phá mọi thứ kể cả những cột điện sừng sững, vững chắc nhất. Làng phố tối tăm. Cây cối bị gió bẻ ngang. Mùa thu làm cho ba con và những người công tác trong ngành Điện thêm bao nhiêu khó khăn, vất vả. Bão vừa tan là ba lại phải khắc phục sự cố với ngổn ngang công việc và những hiểm nguy. Lúc đó, con đã tự hỏi “Sao ba lại lựa chọn một nghề vất vả và nguy hiểm đến thế?”
Con đã từng tủi thân khi bất chợt nhìn thấy bữa cơm tối ấm áp với đông đủ mọi thành viên của một gia đình nọ… Còn gia đình mình, bữa ăn nào, hầu như đều vắng ba. Bởi từ khi con còn bé thì ba đã công tác xa nhà. Ba về khi chúng con đã ngủ và đi làm khi con đang say giấc. Dẫu mẹ rất yêu thương nhưng con luôn có cảm giác thiếu vắng vô cùng. Cứ thế, con vắng ba rất nhiều trong những năm tháng tuổi thơ của con.
Con đã từng ước ao những điều là hiển nhiên đối với bất kì đứa trẻ nào. Đó là sáng ba đi làm, tối về ăn cơm với gia đình. Và con ước một lần được ba đón con đi học. Mẹ thì vẫn đón con hằng ngày. Còn bạn con thì được ba mẹ thay nhau đưa đón. Con thường lặng lẽ quan sát và thèm muốn cảm giác được nghe tiếng ba gọi “Diệp Chi ơi! Ba đây con!”. Rồi ba đội mũ bảo hiểm cho con rồi chở về cùng với lời tíu ta tíu tít về những câu chuyện của con với lũ bạn. Nhưng bây giờ, con đã là nữ sinh THPT rồi. Con đã đi qua giấc mơ ấy tự bao giờ.
Con đã từng có cảm giác mất kết nối với ba. Ba lại chuyển công tác, lần sau cứ xa hơn lần trước. Một tuần ba mới về nhà một lần. Có khi công việc bận bịu, ba phải ở lại đến nửa tháng hay hơn thế nữa… Cứ thế, con dần xa ba. Có thời gian, con ít nói chuyện với ba. Dẫu con cố gắng nhưng chỉ dăm ba câu, con không biết chia sẻ gì thêm nữa. Con ghen tị với những cuộc trò chuyện gần gũi của những ông bố và cô con gái khác.
Nhưng, con đã nhìn thấy ba và những đồng nghiệp của mình đã không quản ngại nắng mưa, bão lũ, không nề hà đồng bằng hay đồi núi để đem nguồn điện đến với người dân. Khuôn mặt rám nắng, tấm áo ướt sũng mồ hôi với lỉnh kỉnh bao nhiêu là vật dụng để tác chiến mỗi khi có sự cố là hình ảnh thân thuộc ở ba và những đồng nghiệp công tác trong ngành Điện. Rồi không ít lần con nghe tin những tai nạn nghề nghiệp thương tâm của những người thợ điện. Hình ảnh họ bất tỉnh trên cột điện cao ngất ngưỡng trước sự bất lực của mọi người thật quá thương tâm. Con hiểu ra được những vất vả, hiểm nguy trong nghề của ba. Có lẽ vì thế mà người ta gọi những người công tác trong ngành Điện là những “Chiến sĩ áo cam”.
Ba tham gia chỉ đạo và động viên công nhân Đội xung kích tham gia hỗ trợ đóng điện dự án điện thôn bản trên địa bàn huyện Kỳ Sơn
Có phải chỉ thế thôi đâu, những thiệt thòi, ước mơ của con và của biết bao đứa trẻ có ba là thợ điện cũng là những hi sinh của ba và đồng nghiệp khi gắn bó với nghề. Đã là một cán bộ, công nhân viên công tác trong ngành Điện ai cũng phải xác định nơi nào cần điện thì phải đi thôi. Nên cảnh xa nhà, xa vợ con là lẽ thường tình. Đâu chỉ con mới phải tủi thân, mới phải ước ao những điều bé nhỏ, thường tình ấy. Mà ba và những đồng nghiệp của ba cũng thế, phải không ba?
Con tự hào về ba, một “Chiến sĩ áo cam” thực thụ. Ba gắn bó với nghề bao nhiêu năm chưa bao giờ từ nan. Trong mắt con, ba là một người thợ điện giỏi, đã cống hiến hết mình cho ngành Điện hơn 20 năm. Ba luôn làm việc chăm chỉ, chỉn chu để đảm bảo an toàn cho mọi người. Ba luôn được mọi người khen ngợi vì sự nhiệt tình và chu đáo. Những nỗ lực ấy đã giúp ba từ một người thợ điện trở thành quản lý. Công việc sẽ nhiều thêm, trọng trách sẽ lớn lao hơn. Nhưng chưa bao giờ con thấy ba than vãn vì áp lực công việc. Tình yêu, trách nhiệm của ba với nghề đã dạy con biết bao điều. Khi tìm được nghề mình yêu thì mình sẽ dâng hiến và gặt hái nhiều thành tựu. Con hiểu rằng tình yêu thương không chỉ được đo bằng sự trọn vẹn, đủ đầy mà còn là sự thấu hiểu, cảm thông và biết hi sinh vì nhau. Những thiệt thòi của con cũng là sự hi sinh của ba và của bao nhiêu người đang công tác trong ngành Điện.
Ba cùng các đ/c lãnh đạo PC Nghệ An điều khiển flycam kiểm tra hệ thống lưới điện bị sự cố sau đợt lũ quét năm 2022 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn
Trong những màu áo thân quen, biểu tượng cho nghề, con yêu quý biết bao màu áo cam của ba, bộ đồng phục của ngành điện. Đất nước ngày một phát triển, cuộc sống của người dân dần đầy đủ những tiện nghi… Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vẫn luôn là trọng điểm kinh tế. Mọi sự vận hành trong nhịp độ phát triển kinh tế và cuộc sống sinh hoạt của người dân đều cần có điện. Điện là lá phổi của kinh tế, huyết mạch của đất nước. Và những cán bộ, công nhân viên ngành Điện như ba là một trong những lực lượng lao động nòng cốt của đất nước. Đất nước muốn phát triển, cuộc sống muốn diễn ra bình thường thì không thể thiếu điện, thiếu những “Chiến sĩ áo cam” trong đó có ba của con.
Ba ơi! Bây giờ con đã là một nữ sinh trung học, con yêu môn Văn và đó là môn học con chọn để thực hiện giấc mơ giảng đường nhưng con vẫn không yêu mùa thu - mùa bão. Vì con thương và lo cho ba và biết bao đồng nghiệp của ba công tác trong ngành Điện mỗi dịp thu về. Câu hỏi mà con nhiều lần nghĩ thầm “Sao ba lại chọn một nghề vất vả và nguy hiểm đến như vậy?” đến bây giờ con đã tìm được câu trả lời, ba ạ! Ba đã chọn đúng nghề và ba đã sống xứng đáng với nghề và trọn vẹn với gia đình. Con muốn nói với ba một điều con chưa nói: “Con tự hào vì con là con gái của một người thợ điện. Con yêu ba!”.
Ba và con gái
Tác giả: Nguyễn Ngọc Diệp Chi - con của bố Nguyễn Minh Hồng, Điện lực Kỳ Sơn, PC Nghệ An