BBT xin giới thiệu bài viết tham gia cuộc thi của Công đoàn ĐLVN tổ chức.
Và Bố cũng đang cố gắng hơn từng ngày, là một trụ cột trong gia đình, bố đã và đang cố gắng rất nhiều vì gia đình và trong công việc của mình, công việc của bố lại khiến tôi tự hào hơn bao giờ hết – nghề điện. Làm điện nghĩa là thời gian không cố định. Dù là ngày hay đêm, người thợ điện luôn trong tâm thế “sẵn sàng” và “lên đường ngay” mỗi khi nghe tin báo sự cố về điện để kịp thời khắc phục, nối thông dòng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bởi vì, một sự cố điện xảy ra có thể khiến cho doanh nghiệp thất thoát hàng trăm triệu, cũng có thể làm cho người dân “đứng ngồi không yên”.
Thời tiết thì ngày càng trớ trêu, bất kể dù nắng hay mưa, sớm hay tối, bình yên hay giông bão thì khi lưới điện bị sự cố, bố và đồng đội vẫn luôn có mặt sớm nhất để cùng xử lý, cùng tháo gỡ vấn đề đang xảy ra, chỉ khi nào khắc phục xong sự cố, đóng điện cho người dân sử dụng, thì bố mới được phép rời hiện trường công tác. Đâu đó, là những ngày trời hạ nắng gắt cháy da cháy thịt của thời tiết cực đoan, với đặc tính lao động ngoài trời chủ yếu nên phải đương đầu với cái nóng, mùa ăn ngủ thất thường khi buổi sáng phải tranh thủ đi làm sớm cho mát, buổi trưa thì làm cố cho xong để người dân kịp có điện phục vụ sinh hoạt, tới buổi chiều đến xẩm tối mới kết thúc công việc với mong muốn kịp mang ánh điện phục vụ người dân thắp sáng màn đêm, từ đó những ngày này đi đến đâu cũng thấy bóng dáng những chiếc áo cam cần mẫn trên đường, trên cột điện mà đã có người ví von như “những chú kiến vàng” tần tảo. Vào mùa mưa, những khi có áp thấp nhiệt đới, các đội trực sửa chữa lại làm không hết việc, người thợ điện “gồng mình” khắc phục sự cố sau thiên tai, bình thường trang phục và đồ nghề của bố đã cồng kềnh, ngày mưa gió lại cồng kềnh hơn, khi làm việc trên cao, dễ bị “vật thể lạ” va vào khi chúng bị gió mạnh cuốn và rất nhiều nguy hiểm đang rình rập. Xung quanh là mưa phùn, trên cao là lưới điện, đôi lúc người thợ điện phải trả lời và giải quyết rất nhiều câu hỏi khó để làm sao vừa bảo vệ chính mình, lại còn giữ vững an toàn để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển ngành Điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân. Sự cố xảy ra trong mưa gió, dù khách hàng gọi hối liên tục nhưng để đảm bảo an toàn cho người, hệ thống điện và cả khách hàng nên thợ điện phải đảm bảo quy trình an toàn. Vì chỉ khi bản thân ý thức tự đảm bảo được an toàn thì mới sửa chữa tốt, nhanh chóng cấp điện lại được.
Hay là những hôm cả nhà quây quần đón giao thừa, chờ đợi thời khắc chuyển giao, thì bố lại lặng lẽ đi trực, trực để sẵn sàng xử lý sự cố, gắng hết mình để khắc phục sự cố, để người dân có đêm giao thừa trọn vẹn bên cạnh gia đình. Và rồi trong lúc mọi người đang ngon giấc giữa đêm khuya thì những bóng áo cam lầm lũi vẫn xé tan màn đêm di chuyển khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn, ổn định dòng điện phục vụ người dân trong ngày Tết. Sau đó, khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, bố mới trở về bên gia đình nhỏ của mình. Đối với bố, hay những người thợ điện khác, lòng sẽ chợt thấy nhẹ nhõm làm sao khi vang lên tiếng mừng rỡ “Có điện rồi!..” của người dân, khi được cấp điện trở lại. Có lẽ, đó là phần thưởng “tinh thần” có giá trị nhất, mà người thợ điện nhận được trong cuộc đời và nghề nghiệp của mình. Giây phút ấy thật sự có ý nghĩa với người thợ điện, mang lại cảm giác nhẹ nhõm, hoàn thành nhiệm vụ được giao và trút bỏ mọi căng thẳng khi phải xử lý dòng điện, thứ mà không thể nào đùa được với nó, mọi thứ phải thật tập trung và cẩn thận.
Một năm có bốn mùa “Xuân – Hạ - Thu – Đông” thì cả bốn mùa đều có những nét đặc trưng và đã lấy đi không ít sức lực của những người thợ điện. Xong dù là mùa nào thì bố tôi, những người thợ điện cũng luôn chủ động đương đầu để thu phục dòng điện. Thời tiết có khắc nghiệp, sự cố có xảy ra trong thời điểm nào thì người thợ điện vẫn luôn sẵn sàng để xử lý nó. Biết rằng “làm dâu trăm họ” thì chẳng dễ chút nào; vẫn có những lúc, những nơi một số người dân chưa thực sự thông cảm, chia sẻ với công việc của những người thợ điện; vẫn có những khách hàng chưa hài lòng với ngành điện. Thế nhưng, xét trên bình diện rộng, dù ở địa phương nào, khu vực nào, những người thợ điện hôm nay cũng đã cố gắng hết mình và họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng hầu hết người dân.
Nhân dịp hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam, con gửi lời chúc tới bố, và toàn thể các cô chú là cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành Điện lực Việt Nam thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, an toàn và thành công trong công tác. Chúc cho Ngành Điện lực Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tác giả: Nhữ Hải Yến (Bố Nhữ Công Chuẩn, Điện lực Đạ Huoai - Công ty Điện lực Lâm Đồng)