Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa tổ chức khai giảng khóa đào tạo về công tác an toàn cho 335 người làm công tác an toàn trong Tổng công ty.
Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch đào tạo nghiệp vụ chuyên môn năm 2024 đã được EVNSPC phê duyệt. Sẽ có khoảng 335 CBCNV trực thuộc các đơn vị của EVNSPC tham gia đào tạo trong khoảng thời gian từ 7/8 đến 21/8/2024, chia ra làm 3 lớp khác nhau.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy định công tác an toàn trong EVN, ban hành theo Quyết định số 1221/QĐ-EVN ngày 09/09/2021 của EVN thì mục tiêu của khóa học này là đào tạo kiến thức, nghiệp vụ cho người làm công tác an toàn; Xây dựng Hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo Tiêu chuẩn ISO 45001:2018; Tổ chức nhận diện mối nguy, đánh giá và kiểm soát rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) theo phương pháp mới đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai áp dụng tại các đơn vị thí điểm xây dựng hệ thống ATVSLĐ theo Tiêu chuẩn ISO 45001 và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới về ATVSLĐ.
Toàn cảnh lớp học
Các nội dung được truyền tải tới các học viên gồm có: Nghiệp vụ xây dựng Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018; Các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 45001 theo chức năng của từng bộ phận tham gia vào hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp; Nghiệp vụ xây dựng Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.
Các học viên còn được đào tạo, hướng dẫn tổ chức nhận diện mối nguy, đánh giá và kiểm soát rủi ro về ATVSLĐ theo phương pháp mới đã được EVN triển khai áp dụng tại các đơn vị thí điểm xây dựng hệ thống ATVSLĐ theo Tiêu chuẩn ISO 45001; Hướng dẫn xây dựng Văn hóa an toàn theo Tài liệu văn hóa an toàn (VHAT) do EVN ban hành theo QĐ số 569/QĐ-EVN ngày 30/5/2024.
Đào tạo cập nhật kiến thức, nghiệp vụ công tác về an toàn theo Quy định công tác an toàn trong EVN: Xây dựng, lập kế hoạch an toàn hằng năm tại đơn vị; Công tác kiểm tra, tự kiểm tra công tác an toàn tại đơn vị. Hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về ATVSLĐ như: Điều kiện và thủ tục để doanh nghiệp được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Điều kiện và thủ tục để doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo ATVSLĐ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Khai báo, quản lý, kiểm định, sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, kể cả tai nạn giao thông liên quan đến lao động.
Học viên tham gia lớp tập huấn
Quá trình học tập các học viên thảo luận, giảng viên giải đáp các vướng mắc khó khăn khi thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ theo từng chuyên đề. Trao đổi về công tác an toàn trong thời gian vừa qua, chủ trương, định hướng về các chương trình, kế hoạch, các giải pháp về công tác an toàn trong EVNSPC.
Đây sẽ là những kiến thức quý giá cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, cán bộ Công đoàn tại các đơn vị trực thuộc EVNSPC, sau khi đào tạo những nội dung này sẽ được áp dụng vào thực tế công việc, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động có thể xảy ra. Cuối khóa học các học viên sẽ làm bài kiểm tra để xếp loại và cấp chứng chỉ.
Tác giả: Mộc Hưng