Chiều ngày 10/04/2024, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Điện lực Tây Ninh (PCTN) tổ chức buổi Tọa đàm phổ biến và truyền thông phong trào “Nam giới và Bình đẳng giới”.
Tham dự buổi tọa đàm có Ban giám đốc; Lãnh đạo các phòng ban và các Điện lực; Ban chấp hành CĐCS; Chủ tịch CĐ bộ phận, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN); Ban nữ công và toàn thể nữ CNV khối phòng ban PCTN. Nữ công các Điện lực dự qua hội nghị truyền hình tại đơn vị.
Nữ công PCTN tham gia tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe diễn giả Phan Phúc Thắng trình bày nội dung chuyên đề “Bình đẳng giới – Đời ý nghĩa là khi cống hiến”. Diễn giả đã đưa ra cách hiểu đúng về “Bình đẳng giới”. Nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới không có nghĩa là nam và nữ phải giống nhau về mọi mặt. Nam và nữ có những đặc điểm sinh học, tâm lý và xã hội khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là một giới nào hơn hay kém giới nào. Bình đẳng giới cũng không có nghĩa là xóa bỏ vai trò truyền thống của nam và nữ trong gia đình. Nam và nữ có thể lựa chọn thực hiện những vai trò khác nhau trong gia đình, nhưng điều quan trọng là những vai trò đó phải được chia sẻ một cách công bằng và bình đẳng.
Hình ảnh về những nhân vật nổi tiếng thời phong kến
Qua đó, diễn giả đưa ra những tấm gương, hình mẫu về đấu tranh bảo vệ tổ quốc, đóng góp cho đất nước gành độc lập qua các thời kỳ như thời đại Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc ngoại xâm Đông Hán năm 40, Bà Triệu với câu nói nổi tiếng "Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người" để khẳng định ý chí đánh đuổi giặc Ngô xâm lược. Chủ nghĩa anh hùng sẵn sàng hy sinh máu thịt vì cách mạng như Anh hùng Phan Đình Giót, Nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển. Lý tưởng cách mạng cao quý như 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc. Danh nhân văn hóa thế giới, Nhà giáo Chu Văn An là nhà giáo nhân dân của mọi thời đại; Thi sĩ Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ nổi lên ở thời kỳ mang nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ”. Nhà ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đến đại này là Đội tuyển bóng đá nữ Quốc Gia.
Những nhân vật lịch sử thời chiến tranh chống thực dân và đế quốc
Diễn giả cũng đã làm rõ góc nhìn về “Bình đẳng giới” qua công việc. Bình đẳng giới trong công việc là sự đối xử công bằng và bình đẳng giữa nam và nữ trong mọi khía cạnh liên quan đến công việc, bao gồm cơ hội việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, vị trí lãnh đạo,... Trong công việc “Những gì đàn ông làm được thì đàn bà cũng làm được”. Góc nhìn về “Bình đẳng giới” trong gia đình: “Của Chồng - Công Vợ”, “Đàn ông xây nhà - Đàn bà xây tổ ấm”, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Góc nhìn về 2 giới thời đại hiện nay được đưa ra tại buổi tọa đàm
Vai trò và trách nhiệm của nam giới với góc nhìn về 2 giới, các đại biểu sôi nổi tham gia đã trả lời các câu hỏi từ diễn giả như: Ngày mà phụ nữ được chiều chuộng nhất? Ngày đàn ông được nhớ đến nhất? Diễn giả cũng dẫn dụ bàn thảo nội dung về diện mạo của đàn ông là phải mạnh mẽ và “Đàn ông khóc là yếu đuối, phụ nữ khóc là đáng yêu.”. Trụ cột gia đình gồm trụ cột về kinh tế, trách nhiệm làm chồng làm cha. Trong công việc thì có trách nhiệm và sự chuyên nghiệp, khả năng lãnh đạo và quản lý, kỹ năng giao tiếp và hợp tác, sáng tạo và đổi mới. Trách nhiệm xã hội với cách sống mẫu mực của đàn ông, tính cách và phẩm chất đạo đức, khả năng và năng lực, phong cách sống, quan hệ xã hội… là những điều rất được quan tâm.
Qua buổi tọa đàm, diễn giả đã giúp các đại biểu tham gia hiểu rõ thêm về “Bình đẳng giới – Đời ý nghĩa là khi cống hiến” trong không khí vui tươi, phấn khởi và sôi nổi cùng với những hoạt động tăng tính đoàn kết, gắn bó với nhau để thấu hiệu nhau hơn./.
Tác giả: Thành Đạt