Sáng nay 25 tháng 10 năm 2022, tại Hội trường Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã khai mạc lớp thứ 2 khóa huấn luyện, sát hạch định kỳ công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 đối với người lao động thuộc đối tượng nhóm 4.
Theo kế hoạch, EVNSPC tổ chức khóa học và chia làm 3 lớp huấn luyện, tổng cộng là 282 học viên thuộc diện nhóm 4 là người lao động tại các đơn vị trực thuộc EVNSPC bao gồm: Chuyên viên các Ban, Văn phòng, Công đoàn EVNSPC; giao dịch viên Trung tâm Chăm sóc khách hàng; Trung tâm Điều hành SCADA. Trước đó, ngày 18/10/2022 Ban tổ chức đã triển khai lớp thứ nhất, dự kiến kiến lớp tứ 3 cũng sẽ diễn ra vào ngày 27/10/2022.
Đây là công tác huấn luyện thường niên của EVNSPC, nằm trong kế hoạch đã được xây dựng từ đầu năm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ, Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
Trước khi bước vào các nội dung chính của chương trình huấn luyện, Ban An toàn EVNSPC nêu lên mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác an toàn lao động. Sơ lược các vụ tai nạn xảy ra trong 9 tháng đầu năm 2022 cho tất cả các học viên nắm rõ để học tập rút kinh nghiệm, cũng như nêu rõ lý do tại sao phải huấn luyện định kỳ công tác an toàn cho người lao động thuộc nhóm đối tượng 4.
(Quang cảnh buổi tập huấn)
Các học viên sẽ được nghe giảng viên Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh truyền đạt những kiến thức liên quan về công tác an toàn lao động, an toàn khi làm việc, công tác phòng chống cháy nổ, hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể: Những khái niệm cơ bản về ATVSLĐ; Mục đích ý nghĩa, tính chất về công tác ATVSLĐ; Văn hóa an toàn trong sản xuất kinh doanh; Tổng quan hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Một số chế độ chính sách về ATVSLĐ; Quyền và nghĩa vụ về ATVSLĐ của người lao động, người sử dụng lao động.
Về công tác chăm sóc sức khỏe, điều kiện làm việc, giảng viên đã thông qua các nội dung như: Các yếu tố nguy hiểm, có hại với sức khỏe trong lao động; Các biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động; Các biện pháp tổ chức lao động trong cải thiện điều kiện lao động phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Đối với sử dụng thiết bị phương tiện làm việc, các học viên cũng được cập nhật quy định về: Hướng dẫn biển báo, quy trình làm việc; Quy trình vận hành xử lý sự cố máy, thiết bị được giao; Phối hợp làm việc tập thể; Xử lý tình huống và các phương pháp sơ cứu tai nạn lao động; Phòng chống bệnh nghề nghiệp…
Nhìn chung các buổi học diễn ra nghiêm túc, sôi nổi với các tình huống trao đổi cụ thể tại lớp, chia sẻ thực tiễn giữa giảng viên và học viên. Nhờ vậy các học viên đã hiểu, nắm bắt, cập nhật được nhiều kiến thức, quy định pháp luật về ATVSLĐ.
Sau khi kết thúc buổi huấn luyện, các thí sinh sẽ thực hiện bài kiểm tra cuối khóa, nhằm để đánh giá chất lượng huấn luyện cũng như biết được khối lượng kiến thức mà người lao động nắm được đã đạt yêu cầu hay còn hổng. Để thực hiện tốt hơn công tác an toàn, ngăn ngừa nguy cơ rủi ro, giảm tình trạng xảy ra bệnh nghề nghiệp khi thực hiện công việc hàng ngày./.
Tác giả: Văn Tám - Quốc Quỳnh