Trang thông tin điện tử
CÔNG ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
Vietnam National Union of Electric Power Workers

Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô

10/10/2024 11:11:35 AM 130 lượt xem
Để chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, đảm bảo cho nhân dân có được cuộc sống đầy đủ và ổn định. Công nhân ngành Điện cũng đã sục sôi nhiều hoạt động đấu tranh, bảo vệ nhà máy giữ vững dòng điện. Có được “nguồn sáng” trong những ngày tháng vất vả này là sự hi sinh, cống hiến không biết mệt mỏi của biết bao công nhân ngành Điện Thủ đô.
Nhiệm vụ giữ vững dòng điện khi tiếp quản

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội trở thành vùng tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày trước khi rút quân. Trong thời gian này, nhiệm vụ đấu tranh đòi thực dân Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ Thành phố, xí nghiệp, công sở; chống địch phá hoại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; phát triển lực lượng cách mạng trong Thành phố, phối hợp với lực lượng của ta từ bên ngoài vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn Thủ đô.

Lợi dụng thời gian thi hành Hiệp định đình chiến, quân Pháp âm mưu phá hoại, di chuyển máy móc, vật liệu, hồ sơ kỹ thuật..., phá hoại Thủ đô về mọi mặt nhằm biến Hà Nội thành một thành phố trống, không điện, không nước, các nhà máy không hoạt động, mọi công việc sinh hoạt và sản xuất kinh doanh ngừng trệ.

Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô

Công nhân nhà máy điện đấu tranh giữ máy móc

Theo chủ trương của Đảng, ta đã thực hiện bảo vệ các nhà máy cần chú trọng nhất, những xí nghiệp có quan hệ trực tiếp đến đời sống của Thành phố. Cuộc đấu tranh gay go nhất ở Hà Nội lúc này nổ ra ở ba nơi: Nhà máy Đèn Bờ Hồ, Cơ xưởng bưu điện và Ga Hà Nội. Nhiệm vụ trọng tâm bức thiết nhất của công nhân ở Hà Nội lúc này là bảo vệ nhà máy, các kho tàng, công sở, không cho địch di chuyển vào Nam, chống địch cướp bóc, phá phách trước khi rút quân. 

Đấu tranh đảm bảo đủ than hoạt động, bảo vệ thiết bị máy móc tại Nhà máy Đèn Bờ Hồ

Để Nhà máy Đèn Bờ Hồ có thể hoạt động thì than là vấn đề sống còn. Vì vậy chủ Pháp âm mưu không tiếp tục chuyển than về 130 tấn/ngày như trước nữa mà dùng cho hết than dự trữ trước khi giao lại Nhà máy cho Chính phủ ta. Từ ngày 7/9/1954, chúng bắt đầu buộc công nhân phải lấy than dự trữ để đốt lò. Với số than còn lại lúc này, Nhà máy chỉ có thể hoạt động đến ngày 04/10 và nếu có thêm 600 tấn than đang trên đường về thì cũng chỉ tối đa đến ngày 10/10/1954.

Trước tình hình đó, vạch rõ đây là một âm mưu phá hoại của Pháp, trái với hợp đồng đã ký với Thành phố khi nhận đấu thầu và cung cấp điện cho Hà Nội. Các cuộc đấu tranh đòi chủ Pháp phải tiếp tục cho chuyển than về không chỉ nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân Nhà máy, mà còn vì thắng lợi của công tác tiếp quản Thủ đô.

Ngày 13/9/1954, sau khi họp các tổ trung kiên, anh em nhanh chóng phân công nhau đi đến các bộ phận giải thích, vận động công nhân toàn Nhà máy ký tên vào bản yêu sách với nội dung đòi chủ Pháp phải thực hiện mua than để Nhà máy tiếp tục hoạt động và đủ dự trữ trong 2 tháng; trả lại máy móc, nguyên vật liệu; trả nợ lương, trả lời các yêu cầu tăng lương…

 
Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô 1

Công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ ký tên vào bản yêu sách đấu tranh với chủ Pháp
 
Ngày 15/9/1954, đã có 250/280 công nhân, viên chức Nhà máy ký tên vào bản yêu sách. Sau nhiều lần chủ Nhà máy hứa suông không tiếp đại biểu công nhân, toàn thể công nhân viên chức đồng loạt nghỉ việc và cùng kéo đến đấu tranh. Trước tinh thần quyết liệt của công nhân, chủ Nhà máy phải ra tiếp đại biểu công nhân và hứa sẽ chuyển về 4.000 tấn than, mỗi ngày 300 tấn. Nhưng sau đó chúng lại tìm cách trì hoãn, bớt khối lượng than chở về mỗi ngày. Công nhân lại kiên trì tiếp tục đấu tranh. Cuối cùng bọn chủ phải cho chuyển về đủ 4.000 tấn than dự trữ cho Nhà máy.

Song song với cuộc đấu tranh đòi phải đảm bảo đủ than dự trữ cho Nhà máy hoạt động, anh em công nhân cũng quyết liệt bảo vệ, gìn giữ máy móc, nguyên vật liệu, hồ sơ tài liệu của Nhà máy. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy nổ ra nhằm kiên quyết không để bọn chủ tháo dỡ máy móc thiết bị và buộc họ phải bàn giao cho ta. Bên cạnh đó, công nhân còn tích cực cất giấu máy móc, đẩy mạnh công tác binh vận, lôi kéo cai ký, nhân viên kỹ thuật về phía ta. Đội tự vệ Nhà máy được thành lập với hơn 30 đội viên. Hàng ngày, các chiến sỹ tự vệ phân công nhau trực ở những bộ phận quan trọng để giữ máy, đêm đêm bí mật canh gác để địch không phá hoại hoặc di chuyển máy móc.

 
Ngày 01/10 chúng lại chuẩn bị di chuyển máy móc khỏi Nhà máy. Hơn 200 công nhân đã đình công, kéo đến vây kín xưởng máy. Mặc dù chủ đưa lính lê dương đến uy hiếp và mời Ủy ban kiểm soát quốc tế đến can thiệp, nhưng trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, cuối cùng chúng cũng phải nhượng bộ, không thực hiện được ý đồ chuyển máy móc ra khỏi Nhà máy.

Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô 2

Từ sáng 9/10, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội
 
Sau những lần thất bại, 02 ngày trước khi quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, lợi dụng thời gian thiết quân luật, bọn chủ đưa ô tô đến để chuyển tài liệu hồ sơ Nhà máy. Trong tình thế không thể huy động thêm công nhân đến trợ giúp, cán bộ đã vận động những người đóng gói tài liệu vừa làm, vừa trì hoãn, vừa phá để kéo dài thời gian. Những công nhân khác thì kéo đến vây cản ô tô. Bọn chủ đưa lính lê dương, mật thám đến uy hiếp, đe dọa nhưng công nhân vẫn không lùi bước. Có công nhân còn phanh áo thách thức lính Pháp. Còn chủ Nhà máy thì hùng hổ nhảy lên xe nổ máy định chạy. Anh em công nhân đã ùa tới vây quanh cản đường xe chạy, kiên trì vây bám giữ để chờ đến sáng. Sáng 9/10, Ban lãnh đạo đấu tranh đã huy động thêm công nhân kéo vào Nhà máy. Trước khí thế của anh em công nhân, bọn chủ buộc phải rút lui.

Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô 3

Bảo vệ nhà máy trong những ngày đầu tiếp quản Thủ đô

Thắng lợi của anh em công nhân, viên chức Nhà máy Đèn Bờ Hồ, đảm bảo được điện cho Thành phố, không những đã góp một phần rất quan trọng vào công việc đảm bảo an ninh ở thủ đô Hà Nội trước ngày tiếp quản, mà còn khích lệ cổ vũ rất nhiều tinh thần đấu tranh của anh em công nhân và đồng bào Hà Nội.

Những tưởng việc đảm bảo nguồn điện thắp sáng cho Hà Nội là nhiệm vụ khó khả thi, nhưng các cán bộ, công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ đã làm hết sức mình cho Thủ đô bừng sáng ngay từ ngày đầu tiếp quản Thủ đô.


Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô 4

Nhà máy Đèn Bờ Hồ rực rỡ ánh đèn trong Ngày Giải phóng Thủ đô

Dòng điện tỏa sáng ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954

Sáng ngày 10/10/1954, cả Hà Nội bừng sáng trong cờ, hoa và biểu ngữ. Hà Nội sạch bóng quân thù, chào đón đoàn quân từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô. Cùng với đồng bào Hà Nội, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ hân hoan chào đón đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dòng điện nhà máy tỏa sáng với niềm vui chung của người dân Thành Phố hoàn toàn được giải phóng.


Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô 5

Đoàn công nhân viên ngành Điện tuần hành trong Ngày Giải phóng Thủ đô
 
Một tháng sau ngày tiếp quản, việc quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở điện lực ở Thủ đô đã đi vào nề nếp.
Hà Nội lúc này có hơn 70 trạm rải rác trên các tuyến phố. Từ mỗi trạm này tỏa ra một mạng lưới điện hạ thế 110V/220V vươn ra trong bán kính khoảng 500m - 1.000m, cấp điện cho đèn công cộng, nhà dân và các cửa hàng cửa hiệu.

Trạm phát một chiều 600V cấp cho xe điện nằm trong Nhà chia điện (Gọi là Nhà chia điện vì từ Xưởng phát điện Yên Phụ về đây chỉ có một số tuyến cáp ngầm). Có 2 bộ chuyển điện gồm mỗi bộ một động cơ 300kW kéo máy phát điện 1 chiều 600V – 300kW. Hai bộ máy luân phiên nhau chạy đủ cho các tuyến xe điện chạy hàng ngày từ 5 giờ tới 21 giờ hoặc 6,6kV/0,4kV cỡ 50 tới 1.000kVA.

 
Dòng điện tỏa sáng Ngày Giải phóng Thủ đô

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận cờ đỏ sao vàng được kết bằng bóng đèn của công nhân Điện lực Hà Nội, năm 1954

Tại Xưởng phát điện Yên Phụ có các đường cáp 6kV cung cấp điện đến các trạm hạ thế khu vực phía Bắc, phía Tây thành phố kể cả thị xã Hà Đông. Một số đường cáp 6kV cấp điện cho các trạm khu vực giữa Yên Phụ và Bờ Hồ đấu vào thành buồng chia điện Bờ Hồ, từ đó hình thành nhiều đường dây cấp điện cho các trạm phía Nam thành phố. Cũng từ Xưởng phát điện Yên Phụ có 4 đường dây 30kV tỏa đi cung cấp điện cho các phần còn lại của thành phố và một số tỉnh lân cận: Sơn Tây và trạm bơm Phù Sa; hai đường còn lại đi phía trên cầu Long Biên đến trạm cắt Gia Lâm, từ đó chia thành 4 đường cấp cho Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý.
Tác giả: Vân Anh - CĐ EVNHANOI
Gửi email

Bình luận (0)

Gửi bình luận Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Các tin tức khác

Xem thêm

Đại hội Đảng bộ EVNGENCO1 nhiệm kỳ 2025 - 2030 thành công tốt đẹp

Trong 02 ngày 21 – 22/4/2025, tại Hà Nội, Đảng ủy Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) đã tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ EVNGENCO1 lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 với sự tham dự của 201 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 1.000 đảng viên trong toàn Tổng công ty.

Hội nghị đại biểu Người lao động EVNICT năm 2025

Ngày 22/4/2025, EVNICT đã tổ chức thành công Hội nghị đại biểu Người lao động (NLĐ) với sự tham dự của 134/134 đại biểu được triệu tập.

EVNHANOI hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1/5: Tôn vinh truyền thống, chăm lo người lao động

Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 – ngày hội lớn của giai cấp công nhân và người lao động toàn thế giới, Công đoàn EVNHANOI đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Đây không chỉ là dịp ôn lại truyền thống đấu tranh vẻ vang của giai cấp công nhân, mà còn là cơ hội để chăm lo tốt hơn quyền lợi chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong toàn Tổng công ty.

EVNHANOI tỏa sáng tại Hội khỏe CNVCLĐ và Lực lượng vũ trang quận Hoàn Kiếm năm 2025

Với tinh thần thể thao rèn luyện sức khỏe, gắn kết tập thể và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét tại Hội khỏe Công nhân viên chức lao động và Lực lượng vũ trang quận Hoàn Kiếm năm 2025.

Hội nghị người lao động Công ty Truyền tải điện 1 năm 2025

Việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích như tăng tính minh bạch, nâng cao tinh thần trách nhiệm, khuyến khích sáng tạo và cải tiến. Nhờ đó, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nhân viên gắn kết và cùng hướng tới mục tiêu chung.

EVNCPC & EVNHCMC: Gắn kết để cùng chăm lo tốt hơn cho người lao động ngành điện

Vừa qua, buổi giao lưu giữa Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Công đoàn Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã diễn ra tại trụ sở Tổng công ty EVNHCMC.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổ chức đào tạo trực tuyến về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc”

Ngày 09/01, Công ty CNTT Điện lực miền Bắc đã tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc” tại các địa điểm làm việc trong toàn Công ty. Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, trong công tác chuyên môn. Chương trình tập trung giới thiệu và hướng dẫn sử dụng hai công cụ AI nổi bật hiện nay: Microsoft 365 Copilot và NotebookLM của Google, với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm từ các cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao.

EVNHCMC làm việc với Đoàn giám sát của Công đoàn Điện lực Việt Nam

Sáng ngày 10/4, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Công đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giám sát việc thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội, ban hành theo Quyết định 217-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

TRAO NHÀ MÁI ẤM CÔNG ĐOÀN

Trong thời gian qua Chương trình Nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã được Công đoàn các cấp triển khai có hiệu quả, là nguồn động viên lớn cho gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần tạo niềm tin và sự gắn bó của đoàn viên đối với tổ chức Công đoàn, giúp đoàn viên vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Công ty Điện lực Cao Bằng tổ chức thành công Hội nghị Người lao động năm 2025

Ngày 09/4/2025, Công ty Điện lực Cao Bằng đã long trọng tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2025 - một sự kiện không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cán bộ công nhân viên, mà còn là dịp để đánh giá và củng cố sự gắn kết giữa Công ty và Người lao động

Nhóm thiện nguyện "Máu và Năng lượng", lan tỏa yêu thương từ những người thợ điện Đồng Tháp Mười

Mặc dù khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái, những người thợ điện ở vùng đất Lấp Vò đã nắm tay thể hiện tinh thần thiện nguyện, đặc biệt là nghĩa cử ‘hiến máu cứu người’… thơm thảo và cao đẹp như hương sen hồng đẹp nhất xứ sở Tháp Mười.

EVNHANOI phát động phong trào thi đua “Ý tưởng của bạn – Sức mạnh của EVNHANOI”

Ngày 09/4, EVNHANOI tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Ý tưởng của bạn – Sức mạnh của EVNHANOI nhằm khơi dậy tính thần sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới trong toàn Tổng công ty.