Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân. Có những lãng phí không thể cân đo, đong đếm được; trong đó có lãng phí về điện năng… Vì vậy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải trở thành một thói quen thường nhật sẽ không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí, mà suy rộng ra còn giúp cho cả nền kinh tế cũng tiết kiệm được chi phí, giúp ích cho sự tăng trưởng.
Để trở thành một phong trào thi đua thực sự hiệu quả, ngay từ đầu năm, Giám đốc và Công đoàn Công ty Điện lực Lâm Đồng đã phát động phong trào thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023. Mục tiêu chung của phong trào là tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn và ở cả rất nhiều khía cạnh trong công tác cũng như cuộc sống.
Là nhân viên giao tiếp khách hàng của Điện lực Đạ Huoai, chị Nguyễn Thị Lan hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng và phải thực hiện rất nhiều phần việc khác nhau nên mất nhiều thời gian, công sức. Chị Lý tâm sự: “Làm việc trực tiếp với khách hàng, vì vậy một trong những nhiệm vụ chính của chúng tôi là tư vấn cho khách hàng các thủ tục, giấy tờ chi tiết, cụ thể góp phần giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức. Không chỉ vậy, chúng tôi còn tiết kiệm thời gian cho chính chúng tôi để thực hiện công việc khác. Tiết kiệm thời gian là quan trọng nhất, bởi thời gian là vàng bạc”.
CBCNV Điện lực Đạ Huoai, PC Lâm Đồng thực hiện tiết kiệm trong công việc hàng ngày
Để công tác này đi vào chiều sâu, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tổ chức tuyên truyền trong tiết kiệm, chống lãng phí bằng những hình thức phù hợp với đặc thù của đơn vị. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà bằng những công việc hàng ngày, mỗi CBCNV đều nhắc nhở nhau để tiết kiệm trở thành một thói quen trong sinh hoạt thường nhật. Chị Nguyễn Thị Nga, Điện lực Đạ Huoai, cũng có cách thức “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” phù hợp với công việc của mình. Chị cho biết một số cách thức mà đơn vị đã triển khai và áp dụng tại đơn vị:
Thứ nhất: In tài liệu trên 2 mặt giấy, điều này giúp tiết kiệm 50% lượng giấy tiêu thụ theo cách thông thường; Tham mưu văn bản phải kiểm tra cẩn thận thể thức, nội dung, ngữ pháp, lỗi chính tả trên văn bản trước khi in để hạn chế số lượng trang in hỏng; đối với giấy in hỏng có thể tận dụng các mặt giấy còn trống để nháp hoặc cắt theo khổ nhỏ để làm giấy ghi chép (thay cho giấy vàng).
Các tài liệu gửi qua mạng nội bộ, CBCNVC nghiên cứu trên máy tính, chắt lọc thông tin, liệt kê nội dung ngắn gọn để ghi chép sổ tay nhằm hạn chế việc in ấn không cần thiết. Mặt khác mỗi cá nhân, bộ phận nên trang bị một thùng giấy đựng giấy in hỏng để cá nhân có thể tái sử dụng hoặc chia sẻ để mọi người có nhu cầu cùng nhau tái sử dụng. Trang bị máy in 2 mặt dần thay thế máy in đời cũ hiện nay để tiết kiệm thời gian, giấy in.
Thứ 2: Với lợi thế đa số cán bộ, công chức Văn phòng đã có tài khoản Zalo dễ dàng liên hệ gọi điện, nhắn tin, gửi tài liệu hoàn toàn miễn phí, điều này đồng nghĩa với việc giảm đáng kể tần suất sử dụng dịch vụ điện thoại của cơ quan và của cá nhân, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí điện thoại hàng tháng. Phần mềm này rất phù hợp với việc tạo lập nhóm, giúp các phòng, các bộ phận có thể gửi thông tin hoặc nhận phản hồi của các thành viên một cách nhanh nhất.
Thứ 3: Việc bố trí xe ôtô phục vụ công tác căn cứ vào kế hoạch công tác cụ thể, kết hợp đi đoàn nhiều người; có thể kết hợp nhiều nội dung; lộ trình, địa điểm làm việc, nếu phối hợp bố trí xe dùng chung sẽ giúp giảm nhiên liệu sử dụng và tiết kiệm chi phí không nhỏ.
Thứ 4: Hiện nay, tất cả các thiết bị hỗ trợ cho công việc tại Văn phòng đa số đều liên quan đến điện. Để tiết kiệm điệm và an toàn cháy nổ nên tắt các thiết bị khi không sử dụng; Mở rộng các cửa sổ và cửa chính phòng làm việc để đón ánh sáng và khí trời tự nhiên (trong điều kiện thời tiết bình thường) để tiết kiệm điện thắp sáng và máy điều hòa; khi trời nóng bức nên bật máy sau 30 phút đầu giờ làm việc và tắt máy trước 30 phút kết thúc giờ làm việc, sử dụng chế độ hẹn giờ, tự ngắt điện hoặc chủ động ngắt điện, nhiệt độ từ 26 đến 28 độ và đóng kín cửa phòng, sử dụng hệ thống đèn led tiết kiệm, sử dụng bóng đèn cảm ứng đối ở các hành lang, cầu thanh, các phòng vệ sinh; sử dụng đèn năng lượng mặt trời ở tiền sảnh, sân vườn và hành lang tầng 1. Đồng thời cài đặt chế độ hẹn giờ tự động bật, tắt tùy theo nhu cầu sử dụng tại mỗi vị trí sử dụng sao cho hợp lý. Thay thế dần các sản phẩm máy móc, thiết bị điện khác có tính năng siêu tiết kiệm điện; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, kiểm tra đường dây tải điện bảo đảm ngăn ngừa hiện tượng rò rỉ điện gây nguy hiểm cho con người và giảm hao hụt điện năng.
Tuy là những phần việc hằng ngày tại đơn vị, và những chi phí tưởng như khá “nhỏ” của chị Nga đã đem lại những lợi ích “không nhỏ” và lâu dài cho chính đơn vị mình. Từ những việc làm hằng ngày tại đơn vị, chị cũng đã có thói quen “mang” nó vào cuộc sống hằng ngày ở nhà. Chị Nga tâm sự rằng điều đó đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân chị và gia đình, mà lợi ích lớn nhất, chính là việc các thành viên trong gia đình chị cũng dần dần thực hiện theo các hoạt động đó. Chi phí sinh hoạt thì giảm xuống, chỉ số vui vẻ và hành phúc thì tỉ lệ nghịch với chi phí sinh hoạt. Vì vậy, cuộc sống gia đình chị có những thay đổi mỗi ngày mỗi tích cực hơn. Sự thật, việc thực hành tiết kiệm đã mang lại rất nhiều lợi ích trong cuộc sống.
Phong trào tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ Công ty Điện lực Lâm Đồng đang ngày một lan tỏa rộng và có chiều sâu. Thực hiện phong trào này, tập thể CBCNV Công ty Điện lực Lâm Đồng đang phấn đấu đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nếp sống của từng cá nhân. Từ đó, có thể xác định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ dần trở thành một tiêu chí sống và làm việc đối với mỗi CB, CNV và cũng là một tiêu chí quan trọng đối với VHDN.
Tác giả: Thiên Phương, Nguyễn Thị Nga - Công ty Điện lực Lâm Đồng