Với Tố Hữu, chắc hẳn “người lính đi đầu” không phải chỉ là đi hàng đầu, đi trước hay đến trước so với lực lượng quần chúng, dẫu đó có là những yếu tố rất cần thiết của các chiến sĩ trên mặt trận tuyên giáo. “Người lính đi đầu”, hay “đi trước” ở đây, được phác họa là một người lính tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Một mặt trận không hề có tiếng súng, nhưng luôn chứa đựng những cam go, phức tạp, và cả sự hy sinh mất mát. Với nội hàm và ý nghĩa lớn lao đó, người lính trên mặt trận tuyên giáo còn phải đi tiên phong trong mọi tình huống và đưa ra các dự báo, các đề xuất chiến lược trong công tác tư tưởng, chính trị của Đảng. Có nghĩa là, công tác tuyên giáo còn phải “lo trước cái lo của thiên hạ” nhất là những vấn đề nảy sinh liên quan đến xã hội, chế độ và vận mệnh của đất nước.
Ở đây, xin đề cập đến giá trị của phương châm đi trước trong công tác dự báo. Dự báo trong công tuyên giáo rất khác với các dự báo chuyên ngành khác. Dự báo không chỉ đem lại kết quả của ngành mình mà liên quan đến nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Những kết quả dự báo có thể mang đến thời cơ để vượt qua thách thức, tạo nên vận hội mới cho Đảng và dân tộc, cũng có thể cho một ngành, một địa phương nào đó. Vì thế, đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tuyên giáo; đồng thời, là một trong những phẩm chất cơ bản của người cán bộ tuyên giáo. Ở đó, cùng với việc thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu rõ tính Đảng là nguyên tắc và nền tảng của công tác tuyên giáo; hiểu rõ tính khoa học xuất phát từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội và tính chân thực từ thực tiễn của phong trào; người cán bộ tuyên giáo còn phải có nhãn quan chính trị sâu rộng, hiểu được quy luật vận động của lịch sử, nắm bắt được xu thế phát triển của thời đại, dự kiến được các bước phát triển của dân tộc để đưa ra những dự báo sát đúng với tình hình thời cuộc. Có như vậy, công tác tuyên giáo mới tham mưu cho Đảng và Nhà nước những ý kiến sắc bén trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn, đồng thời vượt qua những thách thức của lịch sử.
Muốn đi trước trong công tác dự báo, không thể mong đợi có một năng lực siêu phàm, huyền bí, một sự “linh cảm màu nhiệm” nào đó, mà đó phải là kết quả của quá trình phấn đấu, rèn luyện trong phong trào quần chúng; khả năng tích lũy thông tin, phân tích sự kiện trong nước và thế giới; khả năng tổng kết lịch sử và thực tiễn; khái quát quy luật vận động của hiện thực, rồi vận dụng để phán đoán diễn biến, xu hướng phát triển của thời cuộc. Cơ sở khoa học của những dự báo trong công tác tuyên giáo là nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa dân tộc và vốn kiến thức về lịch sử cũng như thực tiễn của phong trào quần chúng. Bên cạnh đó, là nhiệt huyết và lòng say mê nghề nghiệp của người cán bộ tuyên giáo. Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng kiệt xuất, đã có những dự báo chiến lược mang tính vượt trước thời đại, nhất là các dự báo trong những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước và thế giới. Với tư duy độc lập sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh đã giúp Đảng ta đề ra chiến lược, chiến thuật đúng đắn, giành thế chủ động, tạo ra những chiến thắng vang đội trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Tổng Bí thư Trường Chinh lý giải: “Thế giới quan chủ nghĩa Mác - Lênin và những kinh nghiệm đấu tranh lâu năm cho Hồ Chí Minh có thể dự đoán trước thời cuộc, mau lẹ nhận ra những bước ngoặt của lịch sử và đề ra những khẩu hiệu thích hợp nhằm xoay chuyển tình hình”(2).
Tiếp đến, nói về “đi cùng” cũng là phương châm quan trọng trong công tác tuyên giáo. Trước đây, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, hạ tầng thông tin hạn chế, dân trí còn thấp, phương châm công tác “đi cùng” với phong trào quần chúng cũng được hiểu đơn giản, như là: “phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân... Thấy dân ở đó sinh hoạt thế nào ta cũng phải sinh hoạt như vậy. Thấy dân làm việc gì bất kỳ to nhỏ, ta phải ra tay làm giúp”(3) để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và các quan điểm, mục tiêu cách mạng của Đảng vào phong trào quần chúng. Ngày nay, các điều kiện phục vụ công tác tuyên giáo đã khác trước; đời sống chính trị, xã hội cũng thường xuyên thay đổi; đồng thời, luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường, nếu chỉ có những phẩm chất trước đây để thực hiện phương châm “đi cùng” trong phong trào quần chúng thì không thể đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, và như thế sẽ khó khăn trong việc đổi mới nội dung và phương thức công tác tuyên giáo.
Nếu khẳng định phương châm công tác tuyên giáo bao gồm các thành tố nhanh nhạy - hiệu quả - thuyết phục - bám sát thực tiễn thì phương châm “đi cùng” phong trào quần chúng cũng được hiểu và thực thi khác trước. Nếu như trước dây, mục tiêu của “đi cùng” trong công tác tuyên giáo chỉ là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”, thì ngày nay, ngoài một số yêu cầu cơ bản trong phương châm “đi cùng” của công tác tuyên giáo trước đây nói cho “dân tin”, gây “thiện cảm với nhân dân”. Để cho dân tin, cán bộ tuyên giáo nếu chỉ có tấm lòng nhiệt huyết như trước đây thì chưa đủ mà còn phải giỏi về lý luận, am hiểu thực tiễn và phải gương mẫu trong việc tu dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của nhân dân, của phong trào lên trên hết. Chỉ có như vậy thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác tuyên giáo, nhất là ở địa phương, đơn vị; mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng; đồng thời, vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn giúp cho phong trào đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung, phương thức của công tác tuyên giáo.
Phương châm “đi cùng” phong trào quần chúng trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn tồn tại các giá trị tự có và luôn có ý nghĩa thiết thực, tạo nên sức mạnh thần kỳ của công tác tuyên giáo. Nếu không “đi cùng”, công tác tuyên giáo sẽ xa rời thực tiễn, không nắm được nội dung cũng như diễn biến của phong trào, công tác tuyên giáo sẽ nghèo nàn và thậm chí rất khó thành công. Trong điều kiện thông tin đa chiều, nhanh nhạy có thể dẫn dắt dư luận theo hướng bất lợi, nhất là các diễn biến có tính nhạy cảm, phức tạp như hiện nay, nếu không “đi cùng”, sẽ không hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, không hiểu được nội dung và các biến cố của phong trào quần chúng, nhất là không hiểu được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh trong quần chúng nhân dân để phòng ngừa và ứng phó kịp thời, dẫn đến các hoạt động tuyên giáo không chỉ thiếu sức thuyết phục mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hoạt động của Đảng.
Thực tiễn cuộc sống luôn phong phú, đa dạng và phức tạp, vì thế, công tác tuyên giáo tự bản thân nó cũng hàm chứa những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đa chiều, liên quan đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, cơ sở ở từng nơi và ở từng thời kỳ khác nhau để công tác tuyên giáo gắn giữa lý luận và thực tiễn; giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm; đồng thời sáng tạo trong hoạt động, đòi hỏi phương châm “đi trước, đi cùng” trong phong trào quần chúng. Đây vừa là mục tiêu chỉ đạo, vừa là mục tiêu hành động mang tính xuyên suốt của công tác tuyên giáo, giúp cho công tác tuyên giáo nắm rõ và nắm chắc tình hình, chủ động đưa ra những dự báo, những giải pháp thiết thực, tham mưu cho Đảng và các cấp ủy những ý kiến phù hợp với thực tiễn của phong trào; có khả năng chi phối các đối tượng phù hợp để thuyết phục, tập hợp họ để đi theo phong trào cách mạng.
94 năm qua, cùng với phong trào cách mạng của quần chúng, đội ngũ ngành Tuyên giáo không ngừng lớn mạnh về lực lượng; được tôi luyện và dày dạn về kinh nghiệm; được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống rộng khắp từ Trung ương xuống cơ sở với những phương tiện và điều kiện hoạt động ngày càng hiện đại hơn. Tuy vậy, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, thời cơ và thách thức đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn, nhiều hơn của ngành Tuyên giáo. Việc thực hiện phương châm “đi trước, đi cùng” phong trào quần chúng tuy có khác trước, nhưng bản chất của phương châm ấy là không thay đổi. Chỉ có “đi trước, đi cùng” cán bộ tuyên giáo mới “thấu cảm được ý nghĩ và mong ước của nhân dân” và chỉ có như vậy, công tác tuyên giáo mới đạt được mục tiêu “được người, được việc, được tổ chức”, xứng đáng là điểm tựa về mặt tinh thần của xã hội và niềm tự hào của toàn Đảng, toàn Dân.
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống, toàn ngành Tuyên giáo đang tập trung triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống; các nghị quyết Trung ương và của Bộ Chính trị về tư tưởng, lý luận, báo chí, văn hóa, các lĩnh vực khoa giáo; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt... với những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đầy trách nhiệm của ngành Tuyên giáo. Những nhiệm vụ đó, vẫn luôn đòi hỏi công tác tuyên giáo phải tăng cường phương châm “đi trước, đi cùng” phong trào quần chúng để thực sự là lực lượng tiên phong truyền lửa, truyền niềm tin và lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu Đảng ta không thực sự vững vàng về tư tưởng, chính trị; không thống nhất về ý chí, hành động; không khoa học, chặt chẽ về bộ máy, tổ chức; không trong sạch về đạo đức. lối sống; không được nhân dân tin cậy và ủng hộ thì Đảng ta không thể hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử của mình”. Do vậy, thời gian tới công tác tuyên giáo phải tiếp tục xung kích, “đi trước, đi cùng” để hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó./.
TS. BÙI THẾ ĐỨC
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương
Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
_____________________________________
(1) Tố Hữu: Chào Xuân 67, trích trong tập thơ “Ra trận”, Nxb. Văn học, H,1972.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H,1996, t.5, tr.163.
(3) Trường Chinh: Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb. Thông tin lý luận, H, 1991, tr.6.