Vai trò của Công đoàn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp:
Một là, để xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trải qua quá trình nhiều nội dung, nhiều bước.
Tạo dựng và truyền bá những giá trị chung: Nhà lãnh đạo phải xây dựng được giá trị cốt lõi, mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp và truyền bá để mọi nhân viên tin tưởng vào những giá trị chung đó. Những giá trị này cần được coi như là nguyên tắc hướng dẫn mọi hoạt động của tất cả nhân viên doanh nghiệp, phải ăn sâu vào tiềm thức của mọi nhân viên.
Tuyển chọn nhân viên: Tuyển chọn những người phù hợp với doanh nghiệp. Thứ nhất, nhân viên phải có kỹ năng, kiến thức phù hợp với tính chất công việc của doanh nghiệp. Thứ hai, nhân viên phải có tính cách, giá trị đạo đức… phù hợp với giá trị chung của doanh nghiệp.
Hòa nhập: Lựa chọn những nhân viên cũ tích cực, gương mẫu để hướng dẫn cho những nhân viên mới vào doanh nghiệp, giúp các nhân viên mới nhanh chóng hiểu được những giá trị, nguyên tắc làm việc… của doanh nghiệp.
Đào tạo: Đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình làm việc cho nhân viên, để nhân viên thực sự trở thành tài sản của doanh nghiệp.
Đánh giá: Có một hệ thống đánh giá thưởng phạt nghiêm minh. Đây là động lực để nhân viên nỗ lực hoàn thành công việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Tuyên truyền những giai thoại, huyền thoại trong doanh nghiệp: Đây được coi là phần văn hóa truyền miệng của doanh nghiệp. Những câu chuyện góp phần tạo nên hình ảnh doanh nghiệp, đem lại niềm tự hào cho các thành viên. Đó thường là những câu chuyện về người lãnh đạo, NLĐ tiêu biểu và mỗi câu chuyện sẽ là một thông điệp gửi tới các thành viên.
Xây dựng những hình tượng điển hình trong doanh nghiệp: Chọn ra những người làm việc tốt nhất để biểu dương, khen thưởng theo tháng, quý hoặc năm. Đây là bằng chứng sinh động cụ thể hóa những giá trị của doanh nghiệp.
Hai là, văn hóa doanh nghiệp không tự nhiên có mà do chính các thành viên, con người trong doanh nghiệp xây dựng và thực hiện, đó là chính là đối tượng hoạt động của công đoàn. Vậy vai trò của Công đoàn đối với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp biểu hiện trong các nhiệm vụ cụ thể trong quá trình hoạt động.
Công đoàn nâng cao nhận thức của NLĐ về văn hóa doanh nghiệp: Đây là nội dung đầu tiên mà các cấp công đoàn đã triển khai sâu rộng, giúp NLĐ nâng cao nhận thức chính trị, trung thành với sự nghiệp và lợi ích của dân tộc; yêu ngành nghề, tận tâm, tận lực, gắn bó với doanh nghiệp; có ý thức xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, biết đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích cá nhân. Tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; nắm vững những chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc được giao và quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ để sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp, tôn trọng và thực hiện tốt nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Công đoàn giúp NLĐ, đoàn viên công đoàn thường xuyên cập nhật các giá trị về truyền thống nhằm tăng thêm lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với doanh nghiệp; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân điển hình và động viên khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân tiên tiến nhằm khích lệ phong trào thi đua.
Công đoàn với vai trò tuyên truyền, vận động NLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ: Từ nhận thức đúng đến thực hiện đúng là khâu quan trọng mà các cấp công đoàn xác định cần gắn kết, phối hợp chặt chẽ với chuyên môn để tổ chức sản xuất kinh doanh luôn năng động, đúng quy định của pháp luật; phát huy nội lực và thế mạnh của doanh nghiệp. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình sản xuất để đạt năng suất cao và chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt. Xây dựng đồng bộ các quy chế quản lý và điều hành hoạt động của doanh nghiệp đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.
Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh năng động, sáng tạo, xây dựng đội ngũ công nhân lao động được đào tạo phù hợp với yêu cầu hiện đại. Xây dựng được mối quan hệ tốt và uy tín với các đối tác, khách hàng, sẵn sàng chia sẻ rủi ro với khách hàng; luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng; không ngừng khẳng định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường.
Văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ là cùng xác định mục tiêu: Hằng năm, kinh doanh đạt sự tăng trưởng và có lợi nhuận, đảm bảo việc làm và đời sống NLĐ ngày càng được nâng cao, và gắn liền với việc cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, mất an toàn lao động.
Công đoàn với vai trò xây dựng văn hóa trong đạo đức, nâng cao chất lượng cuộc sống: Công hiến phải gắn liền với hưởng thụ, từ đó lại tiếp tục công hiến để đạt được kết quả thực hiện cao hơn. Nội dung này hướng đến gốc của vấn đề đó là yếu tố con người. Đây là ưu thế, đặc tính trong hoạt động công đoàn. Công đoàn chủ động, sáng tạo trong hoạt động để đơn vị có đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh, chủ động đấu tranh chống mọi biểu hiện của văn hóa xấu xâm nhập; doanh nghiệp không có người tham gia cờ bạc, nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác, ở bất cứ nơi nào, dưới bất cứ hình thức bất hợp pháp nào. Coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các hoạt động: Định kỳ hằng năm tổ chức khám bệnh cho NLĐ, tổ chức phong trào thể thao, văn nghệ sôi nổi; bố trí nơi tập thể thao, có sách báo hằng ngày cho NLĐ; duy trì các buổi thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, thăm quan học tập trong và ngoài doanh nghiệp để nâng cao thể chất, tăng cường hiểu biết, gắn bó và đoàn kết trong tập thể NLĐ. Xây dựng được các thiết chế văn hóa ở doanh nghiệp. Giáo dục NLĐ biết quan tâm đến cộng đồng, hưởng ứng tham gia hoạt động xã hội - từ thiện. Công đoàn chủ động tham gia, phối hợp với chuyên môn tổ chức phong trào tự học tập nâng cao trình độ của NLĐ. Tạo điều kiện cho NLĐ tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Công đoàn trong vai trò xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử: Văn hóa trong giao tiếp, ứng xử sẽ dễ tạo nên nét riêng có của mỗi doanh nghiệp. Do vậy, Công đoàn phối hợp cùng chuyên môn đổi mới phong cách lãnh đạo, xây dựng NLĐ làm việc với tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp; nghiêm túc trong giao tiếp, tinh tế, lịch thiệp, văn minh trong ứng xử. Đối với khách hàng, đối tác, luôn niềm nở, ân cần, chu đáo, tôn trọng và hợp tác. Đối với đồng nghiệp, luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống. Trang phục cá nhân luôn gọn gàng, phù hợp với đặc thù công việc, mang đặc điểm, nét văn hóa riêng của doanh nghiệp và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Vai trò của Công đoàn đối với cảnh quan môi trường làm việc: Chăm lo cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho NLĐ. Môi trường, điều kiện làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và năng suất lao động của NLĐ, là một trong những nội dung được tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp quan tâm. Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tập huấn, huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Công đoàn giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đề xuất cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ. Đây chính là nội dung góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mục tiêu vì NLĐ của doanh nghiệp. Vận động NLĐ luôn có ý thức xây dựng phong trào xanh, sạch, đẹp; gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quan làm việc xanh; phòng làm việc bố trí gọn gàng, ngăn nắp, khoa học đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp vị trí làm việc.
Công đoàn ĐLVN gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Công đoàn ĐLVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 (ảnh Đắc Cường)
|