Trong nhịp sống hiện đại, nơi dòng điện không thể thiếu trong từng hơi thở của thành phố, có những con người âm thầm "gác cổng" cho lưới điện vận hành thông suốt. Ở Hội An, đô thị du lịch cổ kính bên sông Hoài, có một người như thế: Bùi Công Luyện, Tổ phó Tổ quản lý kỹ thuật thuộc Đội Quản lý điện Hội An, Công ty Điện lực Đà Nẵng. Hơn 9 năm gắn bó với nghề, anh chọn lặng lẽ miệt mài làm việc, bằng tất cả sự chỉn chu, trách nhiệm và tâm huyết của một người thợ điện thật sự.

Bùi Công Luyện, Tổ phó Tổ quản lý kỹ thuật thuộc Đội quản lý điện Hội An - cá nhân tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2020-2024
Tận tụy với công việc
Sinh năm 1989, tại xã Thạnh Bình - một vùng quê thuộc miền núi của thành phố Đà Nẵng, Bùi Công Luyện chọn nghề điện như một cái duyên. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Điện lực miền Trung, anh bắt đầu công tác tại Điện lực Tiên Phước (cũ), rồi chuyển về Duy Xuyên và từ năm 2020 đến nay làm việc tại Điện lực Hội An, nay là Đội Quản lý điện Hội An. Gần một thập kỷ gắn bó với nghề, dù ở địa bàn nào, anh cũng luôn chọn cách tiếp cận công việc với thái độ không phô trương, không ngại khó khăn.
Ở đô thị Hội An di sản văn hóa thế giới, nơi từng đường dây điện cũng phải “ẩn mình” dưới vẻ đẹp cổ kính, công tác quản lý, vận hành hệ thống điện không chỉ là chuyên môn kỹ thuật, mà còn là nghệ thuật dung hòa giữa hiện đại và di sản. Với vai trò Tổ phó, anh là người được giao phụ trách lập phương án kỹ thuật, theo dõi thi công và quyết toán công trình sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên mà Công ty Điện lực Đà Nẵng giao cho Đội Quản lý điện Hội An hàng năm. Đây là một mảng công việc đòi hỏi tính cẩn trọng cao, vì liên quan đến kỹ thuật, vật tư, tiến độ thi công, chất lượng lưới điện và cả chi phí.
Bùi Công Luyện cùng anh em trong đội thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố lưới điện trong đêm
Chưa dừng lại ở đó, anh còn là người đảm nhiệm công tác lập kế hoạch, đề xuất và theo dõi vật tư sửa chữa lưới điện định kỳ hằng tháng. Đây là một công việc không dễ, vì nó yêu cầu sự hiểu rõ hiện trạng lưới điện, khả năng phán đoán những rủi ro tiềm ẩn, kết hợp cùng kỹ năng quản lý vật tư hiệu quả để không gây lãng phí, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và hợp lý về mặt tài chính.
Điều khiến đồng nghiệp và lãnh đạo quý trọng ở anh không chỉ là kết quả công việc, mà còn là cách anh theo đuổi công việc đến cùng. Một công trình dù lớn hay nhỏ, anh cũng có mặt tại hiện trường, giám sát kỹ lưỡng từng công đoạn, phối hợp cùng anh em để đảm bảo công trình đạt yêu cầu kỹ thuật, an toàn và đúng tiến độ. Không có chuyện "khoán trắng" cho tổ đội, càng không có thái độ làm qua loa.
Người ta từng thấy anh cùng anh em đội công tác túc trực từ sáng sớm đến đêm muộn để khắc phục sự cố hoặc kiểm tra hoàn thiện công trình vào sát ngày bàn giao. Khi hỏi vì sao luôn tự mình bám sát, anh chỉ cười: “Làm điện là không được chủ quan. Một sai sót nhỏ có thể gây nguy hiểm cho người dân và làm ảnh hưởng đến cả hệ thống”.
Góp phần đổi mới bằng tư duy cải tiến
Không dừng ở vai trò quản lý kỹ thuật, Bùi Công Luyện còn là người tích cực tham gia các hoạt động đổi mới, cải tiến kỹ thuật tại đơn vị. Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận là sáng kiến “Gia công bộ nâng đỡ máy biến áp bằng con đội thủy lực để nâng xà bị nghiêng, thay bulong xà đỡ mà không cần sử dụng xe cẩu tải để tháo hạ máy biến áp.” Sáng kiến do anh cùng nhóm tác giả đề xuất và triển khai thực tế đã được công nhận sáng kiến cấp Tổng công ty năm 2024, bởi tính ứng dụng cao, khả năng giảm chi phí, tăng tính cơ động và đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, sáng kiến này phát huy hiệu quả rõ rệt ở những khu vực có địa hình phức tạp, đường sá nhỏ hẹp, xe cẩu không thể tiếp cận.

Bùi Công Luyện thực hiện công việc hằng ngày để đảm bảo lưới điện khu vực phố cổ được thông suốt
Không chỉ dừng lại ở công việc cấp địa phương, anh Bùi Công Luyện còn góp mặt trong những công trình trọng điểm cấp quốc gia, tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Phố Nối (Hưng Yên) đến Quảng Trạch (Quảng Bình) với vai trò tham gia triển khai và phối hợp kỹ thuật. Đây là một trong những công trình hạ tầng trọng yếu trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc một người công nhân cấp tổ đội tham gia vào công trình lớn như vậy cho thấy năng lực chuyên môn vững vàng và bản lĩnh thực tiễn dày dạn của anh.
Với những đóng góp miệt mài, anh liên tục được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, nhận nhiều Giấy khen cấp Công ty và Tổng công ty. Gần đây nhất, vào tháng 5/2025, anh được Tổng công ty Điện lực miền Trung tuyên dương là Cán bộ ngành điện tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2020-2024, một ghi nhận không chỉ về kỹ năng nghề, mà còn về thái độ làm nghề tận tâm, chuẩn mực.
Nhưng khi được hỏi về những phần thưởng đó, anh chỉ cười hiền: “Tôi vui vì được ghi nhận, nhưng điều tôi thấy thực sự giá trị là khi người dân không phải gọi điện báo mất điện, khi một công trình hoàn thành đúng hạn và vận hành an toàn”.
Giữa hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành điện, khi công nghệ số hóa đang thay đổi cách quản lý, vận hành và tương tác, thì những người như Bùi Công Luyện càng trở nên quý giá. Anh không phải người tạo ra công nghệ, nhưng là người giúp nó đi vào thực chất, bằng cách thực hiện chuẩn xác, khai thác hiệu quả và không để công nghệ trở thành “hình thức”. Từ phần mềm kỹ thuật, dữ liệu đo xa, quản lý vật tư, giám sát vận hành từ xa… anh đều học nhanh, nắm chắc và ứng dụng đúng quy trình. Chính sự tỉ mỉ, kỷ luật và tinh thần cầu thị đã giúp công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ nghề, chứ không thay thế con người.
Ở Hội An, đô thị của ánh sáng dịu dàng và những giá trị bền vững, thì một người như anh, không ồn ào, không hào nhoáng, nhưng vững vàng và chắc tay nghề, chính là một phần “bệ đỡ” lặng thầm cho ánh sáng đó. Bùi Công Luyện không chỉ là một người thợ điện. Anh là một phần của sự phát triển, một minh chứng cho giá trị của đạo đức nghề nghiệp, một gương sáng giữa đời thường. Và trên hết, anh là người tổ phó giữ vững ánh sáng nơi phố Hội, để dòng sáng ấy không bao giờ tắt.
Tác giả: Hoàng Phượng