Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo” do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát động đến đoàn viên công đoàn sẽ là câu trả lời hiệu quả nhất, bởi vì sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích không chỉ ảnh hưởng trong nhà trường, các đơn vị, vùng miền mà có còn được lan toả đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Có thể nói rằng đây là một chương trình có sức ảnh hưởng rất lớn, truyền tải được rất nhiều thông điệp đến với mọi đoàn viên công đoàn trên khắp mọi miền của đất nước. Trong bối cảnh ngày càng tăng cao nhu cầu về năng lượng của xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống con người đồng thời cũng tăng lên. Điều này dẫn đến việc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng cần phải nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến cũng như làm thế nào để tiết kiệm điện, tăng hiệu suất sản xuất điện, đồng thời tối ưu hóa quá trình vận hành.
Nhóm thực hiện sáng kiến của Phòng Đào tạo
Với mong muốn thúc đẩy những ý tưởng mới, sáng tạo từ cộng đồng, EVN đã triển khai chương trình “10.000 sáng kiến trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Để góp phần hoàn thành mục tiêu 10.000 sáng kiến do EVN triển khai, Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (HEPC) đã nỗ lực triển khai để hoàn thành chỉ tiêu do cấp trên giao cho.
Với tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực, Ban Giám hiệu cùng tập thể các giảng viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường đã thực hiện được 16 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến bao gồm: 01 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp trường, 12 sáng kiến đạt chứng nhận cấp trường, 03 sáng kiến đạt chứng nhận cấp Tổng công ty (Giải pháp sử dụng điều khiển đóng cắt nguồn điện từ xa trong trạm 22kV phục vụ cho công tác đào tạo, Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh trực tuyến; Chế tạo hệ thống tấm quang điện xoay theo hướng mặt trời). Với 16 đề tài và sáng kiến thực hiện được, nhà trường đã xuất sắc hoàn thành vượt chỉ tiêu 09 sáng kiến mà Tổng công ty Điện lực miền Nam giao.
Các sáng kiến được Hội đồng sáng kiến xét chọn dựa trên các tiêu chí mang tính khả thi, điều kiện áp dụng vào tình hình thực tế của đơn vị và giá trị làm lợi về mặt kinh tế. Đây cũng là tiền đề để tiếp tục phát triển các sáng kiến, đưa lên Hội đồng khoa học Công nghệ Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và Hội đồng khoa học Công nghệ của Tổng công ty Điện lực miền Nam./.
Tác giả: Thanh Sơn – Thiện Chí