Đây là phát biểu nhấn mạnh của Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng tại Hội nghị tập huấn mạng lưới an toàn vệ sinh viên năm 2022 được tổ chức sáng ngày 30/6, tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức.
Đây là phát biểu nhấn mạnh của Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng tại Hội nghị tập huấn mạng lưới an toàn vệ sinh viên năm 2022 được tổ chức sáng ngày 30/6, tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức.
Dự hội nghị tập huấn có đại diện lãnh đạo Ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động VN, lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tập đoàn, các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra, Chủ tịch, Phó chủ tịch các công đoàn trực thuộc và gần 175 cán bộ công đoàn theo dõi công tác An toàn tại các đơn vị.
Hội nghị nhằm nâng cao kiến thức, trang bị những kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, người làm công tác ATVSLĐ, thực hiện tốt các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, qua đó khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
10 người lao động trực tiếp có 1 ATVSV
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy, qua khảo sát tại các đơn vị cứ có 10 người lao động trực tiếp có 1 ATVSV, mạng lưới ATVSV đã góp phần ý nghĩa vào kết quả công tác ATVSLĐ tuy nhiên hiệu quả và vai trò của mạng lưới này vẫn đang được rất nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả.
Xây dựng văn hóa an toàn nhằm mang lại ý thức tự giác của mọi người trong công tác an toàn, bảo hộ lao động hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ
Theo ông Huy, hiện nay còn nhận thức sai về mạng lưới này; cơ chế ghi nhận khen thưởng, động viên, khuyến khích chưa thu hút người lao động tham gia; công tác tổ chức quản lý và hướng dẫn hoạt động chưa được quan tâm đúng mức... Về nhận thức có thể đang chưa đúng, nâng tầm quan trọng của ATVSV, coi đó là một mắt xích quan trọng nên giao nhiều việc cho đội ngũ mạng lưới này (trong đó có nhiều việc không nằm trong chức năng của mạng lưới ATVSV được quy định theo Điều 74 của Bộ Luật lao động. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Tuy vậy, đây là phong trào quần chúng, vận động nhằm xây dựng ý thức tự giác của mọi người trong công tác bảo hộ lao động. Do đó, tại các doanh nghiệp người chủ sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm, bổ sung về quy chế, quy định, các giải pháp, cách thức tổ chức và quan trọng hơn đó là dành nguồn lực và vật lực cho hoạt động của mạng lưới ATVSV.
Phó Chủ tịch Uông Quang Huy cũng thông tin: Trong thỏa ước lao động tập thể của công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa qua đã nâng mức thưởng cho ATVSV, nâng mức phụ cấp cho người làm công tác cũng đã khuyến khích người lao động tham gia công tác mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị. Tuy nhiên, các quy định, quy chế về khen thưởng đã làm nhưng chưa thường xuyên và liên tục; công tác tổ chức và quy định còn chưa thống nhất như việc bầu thay thế người làm công tác này khi thay đổi chưa bổ sung kịp thời; sự can thiệp của chuyên môn vào tổ chức mạng lưới cũng như người làm công tác an toàn vệ sinh viên còn nhiều; việc tổ chức tập huấn; sơ kết, tổng kết còn chưa theo định kỳ... Thời gian tới, những quy định, tổ chức hoạt động và quản lý mạng lưới ATVSV sẽ được thống nhất ban hành trong Tập đoàn để đảm bảo hiệu quả, nâng cao chất lượng từ cấp cơ sở đến các tổng công ty và tập đoàn.
Đảm bảo an toàn cho mình và đồng nghiệp
Có thể thấy, từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, nhiều công đoàn cơ sở đã đưa ra các sáng kiến, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong công tác này.
Cho ý kiến về công tác này, ông Trần Nguyên Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết: Tại các đơn vị trực thuộc của EVNNP đang tổ chức phát động đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động; đội ngũ ATVSV phối hợp cùng chuyên môn trong công tác đảm bảo an toàn, yêu cầu 100% người lao động luôn phải tự hỏi, hỏi nhau và trả lời 3 câu hỏi trước khi làm việc đó là: Những mối nguy nào có thể xảy ra khi thực hiện công việc; mức độ nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn và biện pháp phòng tránh để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn khi tiến hành công việc. Người lao động có thể kiên quyết từ chối làm việc nếu không có phiếu/lệnh công tác, không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, không được nghe phổ biến nội dung công việc cụ thể.
Công tác ATVSV là hoạt động quan trọng của tổ chức công đoàn góp phần an toàn cho người lao động
Theo ông Vũ Văn Minh, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật của Công đoàn Điện lực Việt Nam hiện trong Tập đoàn có khoảng 7.086 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong thực tế, đã có những vụ tai nạn lao động người làm công tác an toàn và ATVSV biết nguy cơ mất an toàn nhưng không kiên quyết để người lao động làm việc trên lưới điện bỏ xót quy trình, quy phạm, phiếu thao tác dẫn đến tai nạn. Do đó, người làm công tác ATVSV phải chủ động, phát hiện kịp thời, có ý kiến, kiến nghị với người quản lý về công tác chuyên môn sẽ giảm nguy cơ tai nạn. “Việc vận động, thuyết phục các đồng nghiệp về công tác an toàn là rất quan trọng, bản thân người làm công tác này phải gương mẫu chấp hành quy định, mạnh dạn kiên quyết đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp hoạt động của mạng lưới ATVSV trong thời gian tới”, ông Vũ Văn Minh nhấn mạnh.