Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc NPTS
|
PV: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam luôn khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Phong trào này được NPTS triển khai ra sao trong thời gian qua thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: NPTS được thành lập trên cơ sở nòng cốt là lực lượng kỹ thuật làm công tác thí nghiệm và sửa chữa các thiết bị trên lưới truyền tải điện (TTĐ), phần lớn lực lượng này có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo bài bản tại các Trường Đại học kỹ thuật hàng đầu trong cả nước. Do vậy, việc nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất là công việc mà NPTS thường xuyên thực hiện.
Đặc biệt, trong những năm qua, Công ty đã đặc biệt đẩy mạnh, tích cực tuyên truyền, khuyến khích CBCNV đề xuất các ý tưởng, xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học; tất cả các đề tài của NPTS đều xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất, nhằm phục vụ cho chính quá trình sản xuất của NPTS và EVNNPT.
Đơn cử như đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị” đây là đề tài đã giúp EVNNPT hoàn toàn làm chủ được hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp (TBA), thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng sản xuất thiết bị, góp phần tích cực trong việc giảm giá thành đầu tư các công trình, cũng như làm chủ về công tác cài đặt, hiệu chỉnh, sửa chữa trong quá trình vận hành.
PV: Việc ứng dụng triển khai các công trình nghiên cứu khoa học đã đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số của NPTS và EVNNPT như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Xuất phát từ yêu cầu thực tế của sản xuất, nên trong quá trình nghiên cứu đều được thử nghiệm vào thực tế sản xuất, qua đó kịp thời đánh giá, hiệu chỉnh cho phù hợp. Do vậy các đề tài nghiên cứu khoa học của NPTS khi hoàn thành đều được đánh giá rất cao và ngay lập được áp dụng vào thực tiễn.
Trong 5 năm qua, NPTS đã hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học, việc ứng dụng các đề tài này đã mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn cho doanh nghiệp. Có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị” đã được áp dụng tại TBA 220kV Tam kỳ; TBA 220kV Yên mỹ, TBA 220kV Sơn Động,... giúp cho EVNNPT hoàn toàn làm chủ công tác cài đặt, hiệu chỉnh, sửa chữa hệ thống điều khiển TBA, không còn phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
Hay như đề tài “Nghiên cứu thiết kế, tổ hợp, lắp ráp máy hút chân không công suất lớn” đã góp phần giảm thời gian công đoạn hút chân không cho máy biến áp trong quá trình lắp đặt, sửa chữa từ 24-36h xuống còn 4-6h, qua đó rút ngắn thời gian thi công, giảm thời gian cắt điện, sớm đưa thiết bị vào vận hành làm gia tăng công suất truyền tải…
Nhiệm vụ chính của NPTS là thực hiện công tác thí nghiệm các thiết bị trên lưới truyền tải điện. Số danh mục thí nghiệm của Công ty đã thực hiện trong 5 năm qua là rất lớn và tăng dần hàng năm. Cụ thể, năm 2018 là 12.969 danh mục đến năm 2022 là 20.320 danh mục. Qua đó có thể thấy số lượng biên bản và các kết quả thí nghiệm là rất lớn, vì vậy việc số hóa các số liệu thí nghiệm là rất cấp thiết.
Thực hiện chủ đề và kế hoạch chuyển đổi số trong toàn EVN, NPTS đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thí nghiệm”, đề tài đã thực hiện việc số hóa toàn bộ các khâu: lập danh mục các thiết bị cần thí nghiệm hàng năm, lập kế hoạch thực hiện hàng tuần, hàng tháng, số hóa các biên bản thí nghiệm, ký số các biên bản, cảnh báo các số liệu vượt tiêu chuẩn, cảnh báo các thiết bị đến hạn và quá hạn thí nghiệm, theo dõi trên biểu đồ về diễn biến các kết quả thí nghiệm qua các năm, đưa ra các báo cáo theo yêu cầu,… Với những kết quả đạt được như đã nêu, NPTS đã đóng góp và thực hiện tích cực vào kế hoạch chuyển đổi số trong toàn EVN, EVNNPT và NPTS.
Kỹ sư, công nhân NPTS thay máy cắt tại Trạm biến áp
|
PV: Theo ông Văn hóa EVNNPT đã có những tác động như thế nào đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của NPTS nói chung và công tác chuyển đổi số nói riêng?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trong quá trình phát triển của EVNNPT, các giá trị văn hóa mang bản sắc EVNNPT đã được hình thành và phát triển, phản ánh sứ mệnh, tầm nhìn, khẩu hiệu, giá trị cốt lõi, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử và văn hóa giao tiếp của EVNNPT.
Qua quá trình đến nay văn hóa EVNNPT đã thấm sâu và chi phối tình cảm, suy nghĩ, hành vi của con người EVNNPT, giúp cho toàn thể CBCNV EVNNPT nói chung và NPTS nói riêng luôn đồng lòng vì sứ mệnh đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, các đơn vị và cá nhân luôn Tuân thủ pháp luật và các quy trình, quy định, quy chế của EVNNPT, Tôn trọng sự điều hành chỉ đạo của cấp trên và các đối tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn cố gắng mang hết sức lực và trí tuệ để giải quyết công việc hiệu quả, luôn đoàn kết thống nhất và tin tưởng vào tương lai của EVNNPT.
Với việc thấm sâu những giá trị văn hóa trên đã giúp cho NPTS luôn hoàn thành tốt các kế hoạch mà EVNNPT giao, mặc dù tiến độ các công việc gấp, công tác cắt điện thường được thực hiện vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ nhưng đội ngũ CBCNV của NPTS luôn sẵn sàng đáp ứng để lưới truyền tải điện vận hành được an toàn, liên tục và ổn định.
PV: Những bước đi của NPTS trong thời gian tới là gì để tiếp tục góp phần công cuộc chuyển đổi số của EVN, EVNNPT, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trong thời gian tới, NPTS sẽ tiếp tục bồi huấn, đào tạo nâng cao trình độ CBCNV nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu ngày càng cao của công việc, tiếp tục ứng dựng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học 4.0 vào sản xuất, góp phần tích cực trong việc đưa EVNNPT trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, NPTS sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, đặc biệt các đề tài liên quan đến công tác chuyển đổi số và làm chủ công tác cấu hình, cài đặt, hiệu chỉnh các hệ thống điều khiển TBA do các Hãng Siemens, GE, ABB, Toshiba, NARI,…hiện đang có trên lưới EVNNPT.
PV: Xin cảm ơn ông!