Hội nghị Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 11 (khóa XII) diễn ra trong 2 ngày (13 – 14/7/2022) tại trụ sở Tổng Liên đoàn. Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận trong buổi sáng 13/7 là về báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Hoạt động công đoàn có nhiều điểm mới
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đã từng bước phục hồi mạnh mẽ; đời sống, việc làm của người lao động nhìn chung đã được cải thiện, phương thức lãnh đạo và tổ chức hoạt động chăm lo có nhiều điểm mới, linh hoạt, thiết thực.
Công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là việc tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, hoạt động tư vấn pháp luật được tập trung thực hiện, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Công tác truyền thông công đoàn được tăng cường. Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19 đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giai đoạn 1, thúc đẩy tinh thần hăng say lao động, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Công tác đổi mới tổ chức Công đoàn theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục được triển khai và thực hiện đồng bộ; kết quả thực hiện 02 chỉ tiêu vượt chỉ tiêu được giao của cả năm (đề xuất với người sử dụng lao động điều chỉnh giá trị bữa ăn ca đạt 151,9%; tổ chức tháng công nhân ở CĐCS đạt 123,7%); có 09/13 chỉ tiêu kết quả đạt trên 60%, ước đạt hoàn thành chỉ tiêu cả năm…
Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, Tổng Liên đoàn lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết hoạt động công đoàn quý I, quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới tại 96 điểm cầu, kịp thời nắm chắc tình hình công nhân, viên chức lao động và hoạt động công đoàn; trực tiếp quán triệt các nội dung trọng tâm của tổ chức Công đoàn. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm, sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong tiếp cận với doanh nghiệp và người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2022
- Ảnh: HẢI NGUYỄN
Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương có bước hồi phục ngoạn mục, tạo tâm lý tin tưởng cho người lao động và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vận động công nhân, người lao động trở lại làm việc, các cấp Công đoàn TP HCM phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các phương án tốt chức sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt, hỗ trợ thực hiện thủ tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
“Song song với đó là việc phát động rộng khắp các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm ổn đinh... Các cấp công đoàn cũng tham gia nhiều hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là việc phối hợp thực hiện chính sách về lương, phúc lợi, bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp với quan điểm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn chung trước mắt của từng doanh nghiệp và của nền kinh tế”, đồng chí Trần Đoàn Trung nói thêm.
Các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra một số điểm hạn chế về hoạt động công đoàn trong 6 tháng đầu năm 2022: Công tác nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động có lúc, có nơi còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn còn gặp nhiều khó khăn; kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển tăng thêm đoàn viên còn thấp, tình trạng giảm đoàn viên còn diễn ra ở một số địa phương; việc thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ người lao động ở một số đơn vị chưa kịp thời, số cuộc ngừng việc tập thể tăng so với cùng kỳ năm trước, một số cuộc ngừng việc kéo dài…
Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu một số nguyên nhân của hạn chế: Việc chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa nghiêm, chưa tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn hoạt động. Một số cán bộ CĐCS còn thiếu kỹ năng đàm phán, thương lượng nên chưa thực hiện tốt vai trò được giao.
Bên cạnh đó, công tác phát triển đoàn viên mới ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc phát triển đoàn viên bền vững. Quy trình xây dựng văn bản của Tổng Liên đoàn chưa thực hiện nghiêm, việc nghiên cứu chưa toàn diện; các cấp Công đoàn tham gia góp ý văn bản chưa chu đáo, toàn diện.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đồng chí Trần Thanh Hải nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022: Thứ nhất, thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2022, tập trung chỉ đạo, triển khai các chỉ tiêu được giao, nhất là chỉ tiêu đạt thấp. Thứ hai, rà soát, đánh giá bước đầu tình hình công đoàn tham gia thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Thứ ba, nắm chắc thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2022; tổ chức đánh giá tình hình công đoàn tham mưu thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất... Thứ tư, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình đoàn viên, người lao động, nhất là tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách kịp thời cho người lao động; tăng cường tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động, về khôi phục và phát triển sản xuất, tham gia phát triển thị trường lao động. Thứ năm, tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến người lao động. Thứ sáu, tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu một số định hướng lớn trong tổng kết thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; chỉ đạo các công việc chuẩn bị đại hội công đoàn các cấp. Thứ bảy, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động Công đoàn, nhất là các nội dung liên quan đến đời sống, việc làm của công nhân, lao động, phòng chống Covid-19 và các chính sách hỗ trợ cho người lao động...
Hội nghị Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 11 (khóa XII) diễn ra trong 2 ngày (13 – 14/7/2022), có nhiệm vụ thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Tờ trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12b ngày 12/7/2017 của Ban Chấp hành TLĐ về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước…, đặc biệt là các nội dung chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam như: Đề cương Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; một số nội dung định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; Báo cáo đánh giá kết quả và tình hình thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) và đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung và một số vấn đề quan trọng khác. |
Tác giả: Ý Yên
Trích dẫn: laodongcongdoan.vn