Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Cao Xuân Thành - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực; đồng chí Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Đồng chí Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Thái Phụng Nê, Anh hùng lao động, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng....
Đồng chí Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn trình bày Báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn đã trình bày Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Trong năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động trực tiếp tới hoạt động của EVN, đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cân đối tài chính của EVN. Trong điều kiện như vậy, Tập đoàn đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành, các địa phương. Toàn thể CBCNV của Tập đoàn đã hết sức nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước; một số kết quả nổi bật như sau:
Đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.
Quy mô hệ thống điện: Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt ~77.800 MW, tăng ~1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT là 20.165MW chiếm tỷ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so 2021; Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 45.434 MW, tăng 4,41%; Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh, tăng 6,08%; Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 242,3 tỷ kWh, bằng 99,97% KH và tăng 7,53% so với năm 2021. Trong công tác lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2022 đã tiết kiệm được 1,62 tỷ m3 nước so với kế hoạch. 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Từ tháng 1/2022, EVN đã công bố hệ sinh thái số - EVNCONNECT, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế, sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có trên 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công; Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,37%. Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí.
Tập đoàn đã đề ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị. Tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho CBCNV với 80-90% mức lương bình quân năm 2020, … nhờ đó đã tiết giảm chi phí là hơn 9.700 tỷ đồng. Thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền: tổng doanh thu hoạt động tài chính và lãi tiền gửi của Công ty mẹ-EVN và các đơn vị là hơn 7.900 tỷ đồng. Vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các NMTĐ (có chi phí thấp); Điều phối các hợp đồng mua than cho các NM nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện. Đồng thời do sản lượng thủy điện cao hơn kế hoạch ~12,5 tỷ kWh giúp giảm chi phí mua điện của EVN ~15.845 tỷ đồng. Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí nêu trên là 33.445 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kỹ thuật vận hành lưới điện: Tổn thất điện năng toàn EVN giảm còn 6,24% giảm 0,03% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI toàn Tập đoàn giảm còn 283 phút, tốt hơn kế hoạch 15% và giảm 36 phút so với năm 2021. Số sự cố lưới điện giảm 22,4% so với năm 2021. Đến cuối năm 2022, đưa vào vận hành 63/63 TTĐK; 100% TBA 110kV và 78% TBA 220kV vận hành KNT.
Công tác an sinh xã hội.
EVN và các đơn vị tham gia các hoạt động thiết thực ủng hộ một số địa phương trong công tác hoạt động an sinh xã hội. Trong đó, đã ủng hộ 130 tỷ đồng cho các chương trình: Sóng và máy tính cho em; Quỹ phòng chống tội phạm Trung ương; Xây dựng trường học, hỗ trợ trang thiết bị giáo dục, tài trợ học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương; xây dựng, sửa chữa, làm mới nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt và chăm sóc trẻ em mồ côi.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp cho biết: Do chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc bởi những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, nhất là xung đột chính trị Nga - Ukraina và tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với EVN khi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là nguồn nhiên liệu năng lượng sơ cấp, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện biến động và tăng vọt, làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao. Những yếu tố tiêu cực này đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn. Song Tập đoàn đã vượt qua mọi khó khăn thực hiện đã hoàn thành được hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu chính được giao. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những thành tựu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 như sau:
Thứ nhất, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là Tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KTXH và đời sống sinh hoạt của nhân dân;
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động SXKD, bảo toàn và phát triển vốn; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, tài chính, quản trị… quan tâm hơn nữa, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động;
Thứ ba, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản trị, đầu tư xây dựng, SXKD, dịch vụ khách hàng, viễn thông và CNTT với mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số;
Thứ tư, đảm bảo việc đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt;
Thứ năm, tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn, cơ cấu lại danh mục đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và SXKD;
Thứ sáu, tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển EVN và định hướng tái cơ cấu ngành Điện để phát triển bền vững.
Đồng chí Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Dương Quang Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp. Đồng thời đồng chí cũng mong muốn Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp; các Bộ ngành, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chia sẻ đặc biệt với những khó khăn về giá nhiên liệu tăng cao do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraina, đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cân đối tài chính của EVN; có giải pháp tháo gỡ khó khăn về giá điện giúp Tập đoàn cân đối được bài toán tài chính trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị đồng chí Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN đánh giá năm 2023, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tập đoàn lựa chọn chủ đề năm là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Đồng thời đồng chí kêu gọi toàn thể CBCNV, người lao động Tập đoàn nêu cao tinh thần thi đua, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Kế hoạch SXKD-ĐTXD năm 2023, một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yêu năm 2023 như sau:
- Sản lượng điện thương phẩm năm 2023 là 251,1 tỷ kWh.
- Kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 94.860 tỷ đồng.
- Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: không vượt quá 6,15%.
- Độ tin cậy cung cấp điện: chỉ số SAIDI không quá 318 phút.
- Năng suất lao động tăng trên 8%.
- Đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Cũng tại Hội nghị nhiều đại biểu đã tham gia phát biểu tham luận đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn năm 2022 và đưa ra nhiều giải pháp để triển khai hoàn thành các chỉ ttiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn năm 2023. Hội nghị cũng đã tổ chức khen thưởng trao Huân Chương Lao động hạng Ba cho 06 cá nhân; Bằng khen của Thủ tường Chính phủ cho 04 cá nhân; tặng hoa cho 06 đơn vị được đề nghị tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; trao Cờ thi đua của Ủy Ban QLVNN cho 09 tập thể; Cơ thi đua của Tập đoàn cho 09 tập thể; Bằng khen của Tập đoàn cho 18 tập thể.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Tác giả: Đắc Cường - Ban TGNC.