Sáng ngày 27/12, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức và tham gia Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam với điểm cầu chính tại Hà Nội và 15 điểm cầu trực tuyến và kết nối hình thức ZOOM Meeting trên phạm vi toàn quốc.
Dự hội nghị trực tiếp tại Trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các đồng chí Thường trực Công đoàn Điện lực Việt Nam. Tại điểm cầu kết nối trực tuyến từ phòng họp Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Công đoàn Điện lực Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028, các đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ĐLVN (khu vực Thành phố Hà Nội); lãnh đạo và chuyên viên các ban của Cơ quan Công đoàn Điện lực Việt Nam.
Hội nghị cũng chuyển tiếp để kết nối trực tuyến tại 15 điểm cầu và kết nối với gần 200 cán bộ công đoàn chủ chốt tại các công đoàn cấp trên cơ sở và các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ĐLVN qua hình thức ZOOM Meeting.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trình bày chuyên đề thứ nhất tại Hội nghị
Các Đại biểu đã được nghe báo cáo viên đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trình bày chuyên đề: Một số nội dung cơ bản trong văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam gồm: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ (2018 – 2023). Bối cảnh, tình hình nhiệm kỳ (2023 – 2028); Mục tiêu, Chỉ tiêu; 03 khâu đột phá; 08 nhiệm vụ giải pháp nhiệm kỳ (2023 – 2028); Một số chỉ đạo lớn trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cụ thể:
Một là, trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Hai là, tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.
Ba là, các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?
Toàn cảnh điểm cầu tại Hà Nội Công đoàn Điện lực Việt Nam
Bốn là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Năm là, với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, hơn ai hết, Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.
Báo cáo viên đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Đồng thời tại Hội nghị Báo cáo viên đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày chuyên đề nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng tổ chức Công đoàn nhiệm kỳ 2023 – 2028; một số nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Báo cáo viên đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Tại Hội nghị Báo cáo viên đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày chuyên đề nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác tài chính Công đoàn nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Báo cáo viên đồng chí Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày chuyên đề tại Hội nghị
Hội nghị Báo cáo viên đồng chí Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày chuyên đề nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác kiểm tra, giám sát và công tác nữ công Công đoàn nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó nhấn mạnh về công tác phát triển đoàn viên; cho rằng đây là một thách thức rất lớn khi luật đã cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, sống còn và là một khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, với mục tiêu đến hết nhiệm kỳ cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn; Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN cũng sẽ ra Nghị quyết chuyên đề về nội dung này để thống nhất ý chí hành động, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Liên quan đến công tác tài chính công đoàn, đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định, công tác này phải đảm bảo thu đúng, đủ, minh bạch, công khai và phải dành nguồn lực này cho công tác chăm lo, lợi ích của đoàn viên, người lao động tập trung ở cơ sở; khuyến khích các công đoàn cơ sở công khai tài chính kết hợp việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Hoạt động Công đoàn hiện nay có nhiều thuận lợi, đó là có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quan tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Từ đó đòi hỏi Công đoàn cần phải đổi mới hoạt động để đáp ứng được lòng mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với tổ chức công đoàn. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bày tỏ mong muốn, sau hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ truyền tải tới đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn để thống nhất ý chí, quyết tâm chính trị thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã thông qua tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023-2028.
Một số hình ảnh các điểm cầu các đơn vị thuộc Công đoàn ĐLVN tham gia Hội nghị.
Điểm cầu tại Hà Nội Công đoàn ĐLVN tham gia Hội nghị
Đoàn viên là công nhân quản lý vận hành tại các nhà máy sản xuất điện tham gia học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Điểm cầu các đơn vị thuộc Công đoàn ĐLVN tham gia Hội nghị
Tác giả: Đắc Cường - Ban TGNC