Chiều 30/11, tại trụ sở EVN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn thảo luận số 3 với chủ đề "Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc". Đây là một trong 10 diễn đàn được tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Chủ trì diễn đàn bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Cục QHLĐ, Tiền lương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam –VCCI; lãnh đạo Cục A03 Bộ Công an.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Đặng Hoàng An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVN; ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN; ông Đỗ Đức Hùng, Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam.
Diễn đàn còn có sự tham dự của 94 đại biểu thuộc 09 đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn Tổng Công ty dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn xác định “người lao động luôn là tài sản quý giá nhất”, và thống nhất với đề xuất của tổ chức Công đoàn đảm bảo việc làm và ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; mang đến cho người lao động môi trường làm việc an toàn, văn minh, thân thiện, tin cậy và minh bạch.
Với sự quan tâm của Tập đoàn cùng với việc Công đoàn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người lao động hưởng ứng các phong trào thi đua, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã khích lệ sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công nhân viên nên Tập đoàn đã vượt qua rất nhiều khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn đảm bảo tăng trưởng điện hàng năm để cung cấp đủ điện cho đất nước, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tỉ lệ có điện trên toàn quốc là 99,71% và có đến 99,55% số hộ dân nông thôn có điện. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đến cuối năm 2022 với tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt ~77.750 MW, đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng có những bước tiến mạnh mẽ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Số yêu cầu được tiếp nhận qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công so với tổng số yêu cầu dịch vụ điện, đạt xấp xỉ 100%.
Đồng thời đồng chí cũng cho biết diễn đàn hôm nay là dịp để các đại biểu trao đổi, rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện có hiệu quả một trong những nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn tạo thêm nhiều lợi ích cho người lao động. Tôi tin tưởng rằng, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là những cán bộ công đoàn ưu tú trên toàn quốc, Diễn đàn hôm nay sẽ thành công tốt đẹp và đạt được kết quả như mong muốn.
Trong thời gian làm việc ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chúng tôi rất mong các đại biểu sẽ có dịp tìm hiểu kỹ hơn truyền thống lao động gần 70 năm của con người ngành Điện và sự phát triển, trưởng thành của ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2023) để thấu hiểu và chia sẻ với ngành Điện Việt Nam.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chủ trì buổi diễn đàn
Phát biểu chủ trì buổi diễn đàn bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự trách nhiệm, vào cuộc cả cả hệ thống Công đoàn, công tác đại diện, bảo vệ, đặc biệt là công tác tham gia đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết nổi bật.
Việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc tiếp tục có chuyển biến tích cực với 98,8% doanh nghiệp nhà nước và 64,93% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; 99,07% doanh nghiệp nhà nước và 67,96% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
Toàn cảnh buổi diễn đàn
Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 72,12% (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ), trong đó tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên là 48,2%, tăng 19,6% so với đầu nhiệm kỳ; đã ký kết 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, 03 thỏa ước lao động tập thể ngành, mang lại lợi ích cao hơn luật cho hơn 07 triệu lao động.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, xã hội, đoàn viên, người lao động đánh giá cao.
Trước bối cảnh trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII xác định chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”; đặt ra mục tiêu “tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”; đề ra chỉ tiêu hàng năm “ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (trọng tâm là đối thoại tại nơi làm việc), chỉ tiêu “Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật”; dự kiến xây dựng khâu đột phá “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”.
Để đảm bảo thực hiện được các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ trên trên, hôm nay, trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn thảo luận số 3 với chủ đề “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc” với mong muốn phát huy trí tuệ của các đại biểu thuộc 09 đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn Tổng Công ty dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác 3 bên nhằm giúp tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả, đạt được kết quả đột phá trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần cải thiện rõ rệt về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động của đoàn viên, người lao động. Những ý kiến tại Diễn đàn hôm nay sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp và báo cáo đầy đủ tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, làm cơ sở quan trọng để Đại hội đánh giá, thảo luận và đề ra nhiệm vụ, giải pháp và các hoạt động trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.
Để Diễn đạt thực sự cởi mở, thiết thực, hiệu quả, với chất lượng cao nhất, đạt được kỳ vọng như mong muốn, thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn, tôi trân trọng đề nghị các quý vị đại biểu, khách quý tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về tất cả những vấn đề liên quan đến chủ đề, trong đó, dành sự quan tâm thảo luận nhiều hơn đối với một số nội dung lớn sau:
Thứ nhất, đánh giá toàn diện bối cảnh quan lao động trong thời gian tới, xác định đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề đặt ra đối với vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của các cấp công đoàn trong công tác đối thoại, thượng tập thể.
Thứ hai, đánh giá đúng vai trò, khả năng, năng lực của từng cấp công đoàn nhằm đặt ra nhiệm vụ phù hợp, trao trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ, bố trí nguồn lực thích đáng đối với từng cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở.
Thứ ba, xác định các giải pháp mang tính đột phá, chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả của tổ chức công đoàn nhằm nâng cao số lượng, chất lượng, độ bao phủ của đối thoại, thỏa ước lao động tập thể, trọng tâm tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, đáp ứng về năng lực, trình độ để có thể tham gia, thực hiện một cách chủ động, hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể trong nhiệm kỳ tới và xa hơn nữa.
Ông Uông Quang Huy, Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam tham luận tại diễn đàn
Tham luận tại diễn đàn ông Uông Quang Huy, Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tham luận đối thoại, thương lượng tập thể nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động tại nơi làm việc; thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp.
Tại diễn đàn, 94 đại biểu thuộc 09 đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn Tổng Công ty dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã đóng góp các ý kiến nhằm giúp tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả, đạt được kết quả đột phá trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần cải thiện rõ rệt về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, phát triển bền vững doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, diễn đàn cũng được lắng nghe sự trao đổi của các chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương… về thực trạng hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể thời gian qua, xác định những điểm “nghẽn”, những bất cập, “khoảng cách” giữa mong muốn của đoàn viên, người lao động, các đối tác 3 bên đối với tổ chức Công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể; đồng thời dự báo diễn biến, bối cảnh quan hệ lao động thời gian tới để xác định tầm nhìn, trọng tâm ưu tiên và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu đối với tổ chức Công đoàn, các bên trong quan hệ lao động nhằm thúc đẩy hiệu quả đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 – 2028.
Những ý kiến đóng góp tại diễn đàn sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp và báo cáo đầy đủ tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 1-2/12/2023 tại Thủ độ Hà Nội, làm cơ sở quan trọng để Đại hội đánh giá, thảo luận và đề ra nhiệm vụ, giải pháp và các hoạt động trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023 -2028.
Một số hình ảnh tại buổi diễn đàn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở EVN
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở EVN
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở EVN
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống EVN
Các đại biểu thăm nhà truyền thống EVN
Các đại biểu ghi số vàng nhà truyền thống EVN
Tác giả: Đắc Cường - Ban TGNC