Chia sẻ tại Lễ trao giải cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn lần thứ II” (ngày 28/10), tác giả Lê Văn Tám (Tổng công ty Điện lực miền Nam) cho biết “… hoàn thiện bài với quá nhiều cảm xúc khiến tôi phải nấn ná nhiều lần, trăn trở về cách kể câu chuyện cổ tích này. Cho đến phút thứ 90, tôi mới dứt ra … gửi về Ban Tổ chức…...”
Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn lần thứ II” năm 2022 do Tạp chí Lao động & Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức đã nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi, tăng 35% so với lần trước. Ban Giám khảo đã phải rất khó khăn để tìm ra chủ nhân của 01 giải Nhất; 02 giải Nhì; 03 giải Ba; 05 giải Khuyến khích và 05 giải Chuyên đề.
(Tác giả và nhân vật được Ban Tổ chức mời đến Lễ trao giải cuộc thi)
Tại buổi Lễ trao giải, Ban Tổ chức cũng như các đọc giả ấn tượng với câu chuyện về hoàn cảnh của công nhân điện Đào Việt Anh, vừa trái ngang, vừa bi đát với những tình tiết hiếm gặp giữa đời thường. Việt Anh (làm việc tại Công ty Điện lực Bình Dương) là nhân vật chính trong câu chuyện “Cổ tích giữa đời thường” mà tác giả Lê Văn Tám (Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam thuộc Công đoàn Điện lực Việt Nam) đã xây dựng lên từ sự thật mà Việt Anh đã và đang nếm trải.
(Tác giả Lê Văn Tám - áo trắng, chia sẻ về quá trình thu thập viết về nhân vật)
Vẹn nguyên cảm xúc như khi viết tác phẩm gửi về dự thi, tác giả Lê Văn Tám tâm sự, anh bết và tham dự cuộc thi là do Công Đoàn Điện lực Việt Nam phát động trên Website ngành, thêm sự động viên của chị Nguyễn Liên – Thư ký tòa soạn Lao động & Công đoàn, từ đó anh có động lực, rất may mắn khi tìm được một câu chuyện ý nghĩa qua sự giới thiệu của chị Đoàn Thị Phương Dung – Phó Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty Điện lực Bình Dương.
(Việt Anh đã không kìm được cảm xúc khi nghe nhắc đến gia cảnh của mình)
“Ban đầu, tôi gặp khó khăn để tìm câu chuyện, nhân vật. Tình cờ, trong quá trình thu thập tư liệu viết về chương trình “01 triệu sáng kiến” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, tôi đã gặp được Đào Việt Anh. Thì ra, tôi với Việt Anh vừa gần - vừa xa; vừa quen - vừa lạ. Hai chúng tôi đều là đoàn viên trong “Đại gia đình Công đoàn Tổng ty Điện lực miền Nam”. Tôi sinh hoạt tại Công đoàn Cơ quan Tổng công ty Điện lực miền Nam, Việt Anh sinh hoạt tại Công đoàn Cơ sở Công ty Điện lực Bình Dương. Rất gần nhau nhưng lại không biết nhau (Cười). Nhờ “Vòng tay Công đoàn” mà chúng tôi đã có duyên gặp tại đây, đặc biệt là gặp được tất cả quý vị có mặt tại đây, xin cảm ơn Vòng tay Công đoàn và Ban tổ chức cuộc thi (Hội trường vỗ tay).
(Tác giả chia sẻ câu chuyện thứ hai của Việt Anh)
Có được nhân vật và câu chuyện, nhưng phải đến hạn cuối cùng ngày 30/9/2022 tôi mới gửi bài đi. Bởi vì bài viết xong, nhưng cứ nấn ná không biết đã đủ chưa? thiếu gì? đủ như nào? Mỗi đêm tôi cứ viết xong lại xóa bỏ cái tiêu đề, đi đi lại lại quanh cái bàn, đặt đi đặt lại cái TIT mà vẫn chưa hài lòng, bởi chẳng biết như vậy có phù hợp hay không? Nếu không thì phải làm như nào? Nhiều cung bậc lắm, nó vừa thật, vừa mơ, vừa là cái gì đó bi hài tôi không tả nổi” – tác giả Lê Văn Tám chia sẻ.
(Khi nói về tình cảm của Công đoàn đã giúp đỡ gia đình, Việt Anh không kìm được cảm xúc)
Cắt nghĩa về tiêu điểm “Không phải giấc mơ nào cũng hoang đường”, Lê Văn Tám nói “Việt Anh và vợ đến với nhau không như câu chuyện giữa đời thường. Trên chuyến xe bus Việt Anh đi làm, có chị Hiền là người bán vé số, bị khiếm thị bẩm sinh. Chuyện anh đi làm – Chị đi bán chẳng ai nói gì? thình lình Việt Anh ngỏ lời…. chị Hiền né tránh. Nhưng rồi vì sự chân thành của Việt Anh khiến chị Hiền cảm nhận được và chấp nhận. Tình yêu đơn hoa kết trái, họ góp gạo “thổi cơm chung” một nhà.
Ngày cưới, đàng trai chẳng ai ngoài chú rể và mấy người đồng nghiệp, bởi gia đình Việt Anh không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Khi vợ hỏi “….sao em không thấy đường mà vẫn muốn cưới?”. Việt Anh trả lời “Vì yêu em, yêu là yêu thôi, không có lý do gì giải thích hết….. Em mù thì anh sẽ làm đôi mắt cho em…..".
(Cả cầu trường và tác giả lặng người xúc động)
Sau khi cưới, Việt Anh không để vợ đi bán vé số nữa về chăm lo gia đình, một mình anh làm lụng nuôi vợ, đón các con chào đời. Lần lượt anh, chị có hai gái một trai, gia đình rộn rã tiếng cười vui. Những lý do đó khiến “giấc mơ không phải là hoang đường” với chị Đinh Thị Hiền vợ của anh Đào Việt Anh.
Câu chuyện thứ hai cũng không khác nào cổ tích, đó là khi gia đình Việt Anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo. Sau tiếng cười của 05 thành viên trong gia đình thì đó là một áp lực rất lớn, bởi gánh nặng cả gia đình năm người nên đôi vai chai sần rệu rã của Việt Anh. Ở nhà lo cho các con, chị Hiền không đi bán vé số nữa, một mình Việt Anh với thu nhập từ lương công nhân vận hành trạm 110/22kV để nuôi cả gia đình.
(Nụ cười trong nước mắt của Đào Việt Anh khi anh nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng cho nghị lực của mình)
Việt Anh làm việc bất kể ngày đêm, rồi anh bị lao lực và bệnh tình ập đến với bản thân. Đầu tiên Việt Anh bị bệnh đục thủy tinh thể, mổ xong lại biến chứng thành bệnh thoái hóa đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm, dẫn đến liệt tứ chi... nằm một chỗ. Lúc đó, Bệnh viện nói gia đình chuẩn bị tinh thần vì không còn cách nào để cứu được? Vợ anh tuyệt vọng, các con thơ thì vô từ cười vui chờ mong cha về.
(Do chân tay còn yếu, đi lại khó khăn nên Việt Anh được tác giả dìu lên sân khấu để được nhận hỗ trợ từ BTC)
Tình cảnh khó khăn của người lao động đã khiến tổ chức Công đoàn lên tiếng. Nắm bắt tình hình bệnh của Đào Việt Anh là nguy hiểm, CĐ Công ty Điện lực Bình Dương đã phối hợp với chuyên môn, lập tức hỗ trợ gia đình người lao động, quyên góp tiền bạc, báo cáo về Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) hỗ trợ CĐV gặp khó khăn, mắc bệnh hiểm ngèo.
Không có người thân không chăm sóc, vợ bị khiếm thị, Công đoàn đã cắt cử đoàn viên thay nhau chăm sóc Việt Anh trong 08 tháng anh điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh; rồi đến Viện Y Dược học Dân tộc Thành Phố Hồ Chí Minh điều trị phục hồi chức năng; 03 tháng điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1 tỉnh Bình Dương. Cảm nhận được tình cảm từ các đồng nghiệp nên tinh thần của Việt Anh khá lên từng ngày, bệnh tình dần bình phục cộng với nghị lực phi thường giúp anh “trỗi dậy trước tử thần”, anh dần bình phục chức năng vận động và đủ sức khỏe đi làm. Chính sự đồng hành của Công đoàn giúp tình trạng bệnh của Việt Anh chuyển hóa từ chỗ kề cận cái chết đến hồi sinh kỳ diệu.
("Cổ tích giữa đời thường" của tác giả Lê Văn Tám đạt giải Nhì chung cuộc)
Nhớ lại những ngày tháng đó, Đào Việt Anh rơi nước mắt nói “Nhờ sự chăm lo của Công đoàn và đồng nghiệp, tôi đã vượt qua bệnh tật, trở lại làm việc, 08 tháng trời các anh chị đã thay ca chăm sóc, lo cho em. Nhà nội, ngoại không có…. Mọi lời cảm ơn của em đối với Công đoàn là không đủ. Em chỉ muốn nói 02 từ “biết ơn”... chỉ nhiêu đó thôi.... Hiện em đã phục hồi được khoảng 70% sức khỏe và đi làm rồi, Bác sỹ khuyên em phải tập luyện kiên trì 05 năm liên tục thì may ra phục hội tứ chi được 80%… vậy nên ngày nào em cũng tự tập khoảng 02 tiếng”.
Câu chuyện của anh Lê Văn Tám và nhân vật Đào Việt Anh đã khiến tất cả những ai có mặt đều xúc động, không ai cầm được nước mắt. Câu chuyện đã thể hiện cái tình, cái nghĩa giữa đồng nghiệp với nhau của con người trong đại gia đình EVN, họ được gắn kết thông qua hoạt động Công đoàn với tôn chỉ
“Người lao động là tài sản quý giá nhất”./.
Như vậy, với câu chuyện “cổ tích” lột tả những khó khăn của gia đình mình, nhân vật Đào Việt Anh đã được Ban tổ chức cuộc thi trao 10.000.000 đồng từ nhà tài trợ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank. Cá nhân Nhà báo Đức Phúc – Phó đại diện Tạp chí Lao động & Công đoàn tại phía Nam hỗ trợ 5.000.000 đồng. Sau khi nhận được số tiền nói trên, Đào Việt Anh thủ thỉ “Vậy là Tết này em có tiền mua quần áo cho tụi nhỏ rồi…” |
Tác giả: Thu Chinh