Trong cả 2 giai đoạn thực hiện Chương trình 10 nghìn sáng kiến trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến ngày 06/3/2023 đã có 7.207 sáng kiến đăng ký cập nhật Chương trình, đạt 72% kế hoạch đề ra. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam để đánh giá kết quả thực hiện và đưa ra kế hoạch thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Phóng viên: Thưa ông, hiện tại Công đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện được 72% kế hoạch cả 2 giai đoạn. Vậy ông có nhận xét gì về việc triển khai kế hoạch trong thời gian qua?
Ông Đỗ Đức Hùng: Với kết quả trên, trước hết tôi muốn gửi lời cảm ơn, khen ngợi những đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều sáng kiến được cập nhật, đạt và vượt kế hoạch, vượt tiến độ đề ra. Điều này cho thấy tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và nỗ lực của các cấp công đoàn, sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể đoàn viên, CNLĐ các đơn vị trên. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa hoàn thành được các mục tiêu kế hoạch giao, cần phải quyết liệt, nỗ lực hơn để hoàn thành kế hoạch trong thời gian còn lại (trước ngày 01/9/2023).
Phóng viên: Vậy ông có thể nêu ra những chỉ đạo, giải pháp cụ thể cho các đơn vị chưa đạt kết quả trong Chương trình 10 nghìn sáng kiến?
Ông Đỗ Đức Hùng: Để đạt được mục tiêu còn lại trong kế hoạch, từ nay đến thời điểm kết thúc Chương trình với mục tiêu còn lại là 2.793 sáng kiến, tôi đưa ra một số giải pháp sau để các đơn vị sớm hoàn thành kế hoạch giao.
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về tầm quan trọng của Chương trình 10 nghìn sáng kiến; xác định Chương trình tiếp tục là hoạt động thi đua cốt lõi trong phong trào thi đua “Lao động sáng tạo”, là hoạt động trọng tâm cho sự phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị, góp phần thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Thứ hai, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, triển khai hiệu quả từ các cấp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam giao.
Thứ ba, thành lập và duy trì mô hình “Tổ hỗ trợ sáng kiến” đối với chuyên môn và “Nhóm hỗ trợ đăng nhập sáng kiến” đối với tổ chức công đoàn để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, CNLĐ lập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến và đăng nhập sáng kiến.
Thứ tư, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng, ghi nhận và tôn vinh các cá nhân có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu, tạo động lực cho sự cống hiến và phát triển phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” của cơ quan, đơn vị.
Phóng viên: Vậy ông có thể cho biết kết quả mà Công đoàn Điện lực Việt Nam mong đợi từ Chương trình 10 nghìn sáng kiến này là gì?
Ông Đỗ Đức Hùng: Đối với Công đoàn Điện lực Việt Nam, Chương trình 10 nghìn sáng kiến là một hoạt động rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của mỗi đơn vị và Tập đoàn trong thời đại số hóa hiện nay, Chương trình tạo ra cơ hội để người lao động thể hiện sự sáng tạo, khuyến khích người lao động tham gia và chia sẻ ý tưởng của mình. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường văn hóa sáng tạo trong mỗi đơn vị và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Phóng viên: Cảm ơn ông Đỗ Đức Hùng đã chia sẻ với chúng tôi về kết quả thực hiện Chương trình 10 nghìn sáng kiến và một số giải pháp để các đơn vị sớm hoàn thành kế hoạch giao.
Tác giả: Ban CSPL CĐ ĐLVN (thực hiện)