1. Thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam
Ngày 1/1/1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức ra mắt, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng trên toàn quốc.
Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 14/CP ngày 27/1/1995 của Chính phủ. Từ 1/4/1995, EVN bắt đầu điều hành toàn bộ công việc của ngành Điện, bao gồm: Phát điện, truyền tải, phân phối, đầu tư xây dựng trên cơ sở các Tổng sơ đồ phát triển điện đã được phê duyệt. Sự ra đời của EVN đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Là một doanh nghiệp lớn, ngành Điện tự cân đối tài chính, hạch toán kinh tế, tự trang trải nhằm bảo toàn, phát triển vốn, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.
2. Sản xuất thành công MBA 220 kV công suất 250 MVA
Năm 1995, ngành Cơ khí ĐLVN được đánh dấu một bước phát triển quan trọng khi hoàn thành việc nghiên cứu và thiết kế thành công máy biến áp 110 kV – 25.000 kVA. Năm 2003, chế tạo thành công MBA 220 kV – 125 MVA. Đến năm 2005, ngành Cơ khí điện lực đã tự sửa chữa MBA 500 kV và sản xuất thành công MBA 220 kV công suất 250 MVA. Đây là bước tiến vượt bậc của ngành Cơ khí điện lực Việt Nam trong việc khẳng định nội lực, hạn chế sử dụng hàng nhập ngoại và thuê chuyên gia sửa chữa, tư vấn của nước ngoài.
3. Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho các công trình điện cấp bách
Nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình điện đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao, EVN đã được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với các công trình điện. Cụ thể, các dự án thủy điện đang xây dựng và sẽ khởi công xây dựng trong giai đoạn 2006 – 2010 được thực hiện theo các cơ chế, chính sách quy định tại các văn bản của Chính phủ: số 797/CP-CN ngày 17/6/2003 và số 400/CP-CN ngày 26/3/2004. Tiếp đến, 14 dự án xây dựng điện cấp bách giai đoạn 2006 – 2010 và giai đoạn sau năm 2010 được tiếp tục áp dụng cơ chế này theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Chính phủ. Sau thời gian ngắn áp dụng, các cơ chế này đã thể hiện tính ưu việt, đạt được hiệu quả cao trong các dự án đã và đang đầu tư xây dựng.
4. Luật Điện lực chính thức được ban hành
Ngày 3/12/2004, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Điện lực và chính thức ban hành có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2005. Sự ra đời của Luật Điện lực đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện lực, nâng cao tính minh bạch, công bằng cho các bên tham gia hoạt động lĩnh vực điện lực, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện năng cho nền kinh tế đất nước.
5. Khánh thành Trung tâm Điện lực Phú Mỹ
Ngày 10/4/2005, Trung tâm Điện lực Phú Mỹ được khánh thành với 6 nhà máy điện có tổng công suất 3.859 MW, lớn gấp đôi Thủy điện Hòa Bình. Trong đó, EVN đầu tư xây dựng Nhà máy Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Phú Mỹ 4; các nhà máy Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2 do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT. Đây là công trình quan trọng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Điện lưc Việt Nam. Đồng thời, qua việc tham gia xây dựng công trình, lực lượng tư vấn xây dựng điện của ngành đã bước đầu tiếp cận được công nghệ hiện đại và chủ động trong công tác tư vấn thiết kế nhà máy điện chạy khí.
6. Thành lập Cục Điều tiết Điện lực
Ngày 19/10/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 258/2005/QĐ-TTg thành lập Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Cục Điều tiết Điện lực có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực, nhằm góp phần cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
7. Hình thành và chính thức vận hành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam
Ngày 26/01/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 26/2006/TTg phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu từng bước phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 (2005 - 2014): Thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015 - 2022): Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ sau 2022): Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Từ ngày 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được vận hành. Trong đợt đầu đã có 32 nhà máy điện (tổng công suất 8.965 MW) trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường, 26 nhà máy điện khác gián tiếp tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh. Việc hình thành và phát triển thị trường điện là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị. Trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đóng vai trò quan trọng hàng đầu cho quá trình phát triển này.
8. Thành lập Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Ảnh: Vũ Lam
Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với 3 lĩnh vực kinh doanh chính là điện năng, cơ khí và viễn thông. Quyết định 148/2006/QĐ-TTG ngày 22/6/2006 về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngày 17/12/2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chính thức ra mắt, đánh dấu một bước ngoặt trọng đại, đưa ngành Điện nhanh chóng trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh đa ngành nghề, đa sở hữu, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao và hội nhập quốc tế có hiệu quả.
9. Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra đời
Ngày 8/10/2007, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương có Quyết định số 299 QĐ/ĐUK về việc thành lập Đảng bộ Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lấy tên là Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sự ra đời của Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và việc kiện toàn, sắp xếp các tổ chức đảng trực thuộc sẽ tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp ngành Điện.
10. Thành lập Công ty Mua bán điện
Ngày 31/12/2007, Hội đồng quản trị Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã ban hành quyết định số 1182/QÐ-EVN-HÐQT về việc thành lập Công ty Mua bán điện (EPTC), với nhiệm vụ chính: Lập kế hoạch, đàm phán, thực hiện các hợp đồng mua bán điện; thoả thuận, ký kết thiết kế kỹ thuật, quản lý hệ thống đo đếm điện năng phục vụ mua bán điện; tham gia vận hành thị trường điện nội bộ và cạnh tranh… Công ty Mua bán điện đã và đang tự hoàn thiện, tiến hành nghiên cứu, đổi mới, đào tạo và chuẩn bị các điều kiện tối ưu, sẵn sàng cho các cấp độ tiếp theo của thị trường điện và hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
11. Thành lập Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia
Ngày 4/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) được thành lập với mô hình công ty TNHH MTV, do EVN sở hữu 100% vốn, gồm 4 công ty truyền tải 1, 2, 3, 4 và 3 Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam. NPT có trách nhiệm đầu tư, tổ chức vận hành và quản lý hệ thống truyền tải điện từ 220 kV đến 500 kV của hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu chính là cung cấp dịch vụ truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định và tin cậy; bảo đảm cung ứng điện cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội an ninh và quốc phòng cho đất nước; sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn được giao.
12. Chính phủ công nhận ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
Ngày 12/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1594/QĐ-TTg chính thức công nhận ngày 21/12 hàng năm là “Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam”. Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức ngày Truyền thống phải đảm bảo tiết kiệm, giáo dục truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam, động viện phong trào thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành và đất nước. Đến nay, trải qua hơn nửa thế kỷ, các thế hệ CBCNV ngành Điện vẫn luôn thực hiện đúng lời Bác dặn 55 năm trước, khi về thăm 2 nhà máy điện Yên Phụ và Bờ Hồ vào ngày 21/12/1954, gìn giữ và phát huy những thành quả các thế hệ đi trước để lại, không ngừng phát triển sản xuất, thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
13. Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 6 thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận
Ảnh sưu tầm
Ngày 25/11/2009, với 77,48% đại biểu tán thành, chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận – nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam đã được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 6 thông qua. Theo đó, dự án ĐHN Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy có tổng công suất 4000 MW. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, sẽ khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 sẽ đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển ĐHN vì mục đích hòa bình ở Việt Nam. Trước đó, tháng 9/2007, EVN đã thành lập Ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo (NRPB) để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án này.
14. Ra mắt 5 Tổng công ty Điện lực
Tháng 4/2010, 5 Tổng công ty Điện lực đã ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Đó là: Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC); Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC); Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC); Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI); Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC). Đây là bước ngoặt mới, giúp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý, nâng cao quản trị doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị ngành Điện.
15. Chuyển công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành Công ty TNHH một thành viên
Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 975/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tên gọi sau khi chuyển đổi là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ tổ chức hoạt động do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của EVN là 110 nghìn tỷ đồng; Ngành nghề kinh doanh chính là: Sản xuất, điều độ, mua, bán buôn điện năng; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện. Đây là bước chuyển đổi quan trọng theo đúng lộ trình cam kết của Việt Nam với tổ chức WTO.
16. Chế tạo thành công MBA 500 kV đầu tiên tại Việt Nam
Ảnh: Ngọc Cảnh
Ngày 7/10/2010, Công ty cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã tổ chức “Lễ gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” cho máy biến áp 500 kV. Việc chế tạo thành công máy biến áp 500 kV “made in Vietnam” tiếp tục tạo nên dấu son lịch sử của ngành Cơ khí điện lực nước ta, giúp tăng cường sự chủ động trong đầu tư, xây dựng, tiết kiệm chi phí cũng như giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
17. Khởi công và khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á
Ngày 2/12/2005, Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á được khởi công xây dựng, với tổng công suất thiết kế 2.400 MW, sản điện lượng trung bình hàng năm 10,2 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư là 36.933 tỷ đồng, đập chính của Thủy điện Sơn La cao 138,1m, chiều dài đập 961m. Ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa thành công vào điện lưới quốc gia.
Ngày 23/12/2012, EVN tổ chức Lễ khánh thành công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, về đích sớm 3 năm so với Nghị Quyết của Quốc hội, làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây là công trình đa mục tiêu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
18. Quốc hội thông qua Luật Điện lực (Sửa đổi, bổ sung)
Ngày 20/11/2012, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Điểm mới đáng chú ý của Luật Điện lực sửa đổi bổ sung lần này là đã “luật hóa” nguyên tắc giá điện theo cơ chế thị trường. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
19. Thành lập 3 tổng công ty phát điện (EVN GENCO 1, 2, 3)
Thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngành Điện và thúc đẩy hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, ngày 3/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập 3 Tổng công ty phát điện trực thuộc EVN.
Ngày 1/6/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra quyết định thành lập các tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con, trực thuộc EVN. Các Tổng công ty phát điện (EVN GENCO 1, 2, 3) đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2013.
20. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đề án lớn định hướng cho EVN
Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 854/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 – 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, giai đoạn 5 năm (2011 – 2015), EVN sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ chính và 6 giải pháp đồng bộ để hoàn thành mục tiêu, phát triển thành Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hoàn thành mục tiêu điện khí hóa nông thôn, đến năm 2015 đảm bảo 100% số xã có điện và 98% số hộ dân nông thôn có điện và hưởng giá bán điện theo quy định hiện hành.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1782/QĐ-TTG ngày 23/11/2012 phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015”. Theo đó, EVN sẽ thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính với vốn điều lệ sau khi đánh giá lại tài sản là 143.404 tỷ đồng.
Đây là 2 đề án lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành năm 2012, có ý nghĩa quan trọng trong định hướng tái cơ cấu và phát triển bền vững của EVN.
21. Khởi công các công trình cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia đến với các huyện đảo
Ngày 4/11/2012, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) chính thức khởi công dự án đưa lưới điện quốc gia đến với đảo Cô Tô và 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn – tỉnh Quảng Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.106 tỷ đồng, với tổng chiều dài tuyến đường dây là 58,3 km, trong đó có 25 km cáp ngầm xuyên biển. Dự án hoàn thành ngày 16/10/2013, cung cấp điện cho người dân và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc được khởi công ngày 17/11/2013, nhằm cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng, trong đó hạng mục tuyến cáp ngầm có chiều dài 55,8 km. Dự án đang được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) tích cực triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1/2014.
Ngày 10/10/2013, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 7609/QĐ-BCT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. Dự án có tổng mức đầu tư 652,5 tỷ đồng, bao gồm 26,219 km cáp ngầm xuyên biển, do Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) làm chủ đầu tư, . EVN CPC đang gấp rút triển khai để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ vào cuối quý III/2014.
Từ nay đến năm 2020, EVN sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai đề án cấp điện cho các thôn, bản và hải đảo của cả nước.