Nhà máy điện Vinh (Nghệ An)
Nhà máy Nhiệt điện Vinh, công suất 8.000 kW, được khởi công xây dựng tháng 6/1956 với sự viện trợ kỹ thuật của Liên Xô (cũ). Nhà máy đi vào sản xuất từ tháng 6/1958, cung cấp điện cho các ngành công, nông nghiệp, an ninh quốc phòng và phục vụ đời sống nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh).
Trong những năm đầu vận hành (1959 - 1964), Nhà máy là cái nôi đào tạo nhiều cán bộ công nhân kỹ thuật lành nghề cho các đơn vị trong và ngoài ngành Điện, luôn đi đầu trong phong trào vận hành an toàn của ngành Điện toàn miền Bắc. Nhà máy đã có 10 tổ, đội được công nhận là Tổ Đội lao động XHCN, tập thể Nhà máy được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Năm 1964, Đế quốc Mỹ ồ ạt ném bom vào miền Bắc, Nhà máy điện Vinh bị tàn phá nặng nề. Trong suốt 10 năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà máy điện Vinh là một trong những mục tiêu bị đánh phá ác liệt nhất. Có 13 CBCNV đã anh dũng hy sinh. Máy bay Mỹ đã tiến hành oanh tạc, đánh phá Nhà máy hơn 300 lần, trút xuống khoảng 2.319 quả bom các loại, 149 quả tên lửa, 64 quả đại bác... Nhà máy điện Vinh đã phải 26 lần khôi phục lại sản xuất. Với tinh thần vừa anh dũng chiến đấu vừa tiến hành sản xuất, giữ vững dòng điện, tháng 1/1967, Nhà máy đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà máy điện Vinh anh hùng.”
Tháng 12/1967, Cục Điện lực chủ trương tách Nhà máy điện Vinh để đảm bảo nguồn điện trong thời chiến: Vừa duy trì Nhiệt điện Bến Thuỷ, vừa xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 3/2 ở hang Huyền Trung, huyện Anh Sơn, đồng thời xây dựng các trạm máy phát điện diesel nằm rải rác trên địa bàn Nghệ Tĩnh.
Do thiếu điện cho Nghệ Tĩnh, đầu năm 1977, Bộ Điện và Than quyết định tháo dỡ Nhà máy Nhiệt điện 3/2, vận chuyển về lắp đặt tại Bến Thủy để hoàn chỉnh Nhà máy điện Vinh công suất 8000 kW như trước.
Che chắn, bảo vệ máy móc, con người ở Nhà máy điện Vinh (1966) - Ảnh: Trần Nguyên Hợi
Ngày 8/2/1983, Nhà máy điện Vinh lần đầu tiên được hòa lưới điện quốc gia.
Nhà máy điện Vinh đổi tên thành Sở Điện lực Nghệ Tĩnh từ ngày 13/8/1984, thực hiện nhiệm vụ mới: Sản xuất và quản lý lưới điện trên lãnh thổ Nghệ Tĩnh từ cấp điện áp 110 kV trở xuống; Thiết kế và xây lắp đường dây, trạm từ 35 kV trở xuống; Nhận điện lưới và kinh doanh bán điện theo nhiệm vụ được giao. Đây là thời kỳ đơn vị chuyển giao nhiệm vụ từ sản xuất điện bao cấp sang tiếp nhận lưới điện, tiến hành kinh doanh bán điện, nên bước đầu, Sở Điện lực Nghệ Tĩnh gặp một số khó khăn như : Lao động dư thừa, ngành nghề của CBCN không phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, Sở đã từng bước ổn định các mặt hoạt động, phục vụ tốt khách hàng sử dụng điện.
Tháng 10/1985, Nhà máy điện Vinh ngừng hoạt động do nguồn điện ở phía Bắc được tăng cường (Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hoà vào lưới). Như vậy, sau gần 30 năm phát điện, Nhà máy điện Vinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Nhà máy điện Vinh đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1997 theo Quyết định số 423/QĐ-VH ngày 20/02/1997 của Bộ Văn hóa.
Ý thức được giá trị, ý nghĩa lịch sử của Nhà máy, trong suốt thời gian qua, Công ty Điện lực Nghệ An đã quan tâm bảo vệ địa danh lịch sử này. Bên cạnh việc giữ nguyên trạng một phần mặt bằng Nhà máy trước đây, Công ty Điện lực Nghệ An còn bảo tồn và tôn tạo một số hạng mục trên nền đất cũ của Nhà máy như: Ống khói, Trung tâm điều hành sản xuất lò máy Liên Xô, hệ thống hang hầm trong lòng núi Dũng Quyết (hang D6) và rất nhiều hiện vật khác, hiện được lưu giữ tại phòng Truyền thống của Công ty.
Nhà máy điện Việt Trì (Phú Thọ)
Nằm trong khu Công nghiệp Việt Trì, Nhà máy điện Việt Trì được khởi công xây dựng tháng 4 năm 1959, trên khu đất 9.000m², với 3 tổ máy, tổng công suất đặt 16 MW.
Vào thời điểm đó, Nhà máy điện Việt Trì là Nhà máy điện lớn nhất miền Bắc. Nhà máy có nhiệm vụ cung cấp điện cho khu Công nghiệp Việt Trì và các tỉnh Trung du, miền núi như Việt trì, Phú Thọ,Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang.
Ngày 17/9/1959, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Ngô Minh Loan đã ký quyết định số 2198-BCN-TC cho phép Nhà máy điện Việt Trì chính thức đi vào hoạt động. Trung tá Lê Tấn Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 538 được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Nhà máy. Bộ máy lãnh đạo và các cán bộ quản lý hầu hết là cán bộ trong quân đội và cán bộ làm công tác chính trị. Đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất chiếm 50% là bộ đội chuyển ngành từ miền Nam tập kết thuộc Tiểu đoàn 538, còn lại là một số công nhân được điều về từ Nhà máy điện Lào Cai và Nhà máy điện Vinh.
Năm 1961, Nhà máy điện Việt Trì chính thức đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành, công suất phát điện chỉ vào khoảng 3- 4 MW.
Ngày 18/3/1962, khu Công nghiệp Việt Trì được khánh thành, các nhà máy trong khu công nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Nhà máy thường xuyên phải vận hành cả 3 lò, 2 tổ máy phát, có lúc huy động cả 3 tổ máy phát.
CBCNV Nhà máy đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, đồng thời chấp hành nghiêm các quy trình, quy phạm kỹ thuật, an toàn. Sau 2 năm vận hành, CBCN Nhà máy hoàn toàn có thể thay thế các chuyên gia nước ngoài, bảo đảm sản xuất điện an toàn. “Sản xuất điện được coi như một mặt trận, CBCNV là chiến sỹ với tác phong công nghiệp và kỷ luật nghiêm minh”. Với tinh thần lao động đó, năm 1963, sản lượng điện của Nhà máy đạt 63.576.000 kWh. 5 năm 1961 – 1965 đạt 227.709.000 kWh, góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Nhà nước.
Nhà máy điện Việt Trì 1978 - Trong đợt mở rộng Nhà máy lắp thêm lò 7, 8 và ống khói 2 cao 60m. Ảnh: Trần Nguyên Hợi
Trang sử hào hùng của Nhà máy điện Việt Trì không chỉ được ghi nhận bằng những thành tích trong sản xuất, mà còn khắc họa tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của CBCNV Nhà máy trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Trong thời gian từ tháng 3/1967 đến tháng 8/1972, đã có 13 CBCNV của Nhà máy hy sinh khi đang tham gia vận hành Nhà máy. “Trái tim người thợ điện có thể ngừng đập nhưng dòng điện thì không thể tắt”. Những cống hiến quên thân của CBCNV đã giúp Nhà máy đứng vững trong khói lửa chiến tranh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp điện cho miền Bắc.
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Nhà máy điện Việt Trì đã tiến hành sắp xếp lại sản xuất, ổn định tổ chức, tăng cường các khâu quản lý cho phù hợp với thời bình, đồng thời tiến hành đại tu, lắp đặt, thay thế các thiết bị cũ, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Từ năm 1976 - 1980, Công nghệ than phun đã lần lượt đưa vào áp dụng trong dây chuyền sản xuất điện.
Trong giai đoạn 1981- 1986, Nhà máy điện Việt Trì có nhiều đổi mới về thiết bị và điều kiện sản xuất: Các thiết bị được sửa chữa, đại tu hoặc thay mới. Các lò hơi, mái nhà lò được nâng cao đã làm giảm bụi và tiếng ồn…góp phần cải thiện đáng kể môi trường làm việc cho cán bộ, công nhân Nhà máy.
Năm 1986, cùng với sự phát triển đi lên của ngành Điện, nhiều Nhà máy điện công suất lớn được đưa vào vận hành, Công ty Điện lực 1 đã quyết định thay đổi nhiệm vụ của Nhà máy điện Việt Trì, chuyển chức năng vận hành lò cung cấp hơi cho phát điện sang cung cấp hơi cho khu Công nghiệp.
Đến năm 1992, các đơn vị trong khu Công nghiệp Việt Trì như, Nhà máy Giấy, Nhà máy Đường, Nhà máy Hóa chất đã chủ động sản xuất được hơi, không sử dụng hơi của Nhà máy điện. Nhà máy điện Việt Trì chính thức ngừng hoạt động năm 1992.
Sau 32 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy điện Việt Trì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ được Nhà nước trao tặng năm 2002.
Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội)
Nhà máy điện Yên Phụ được khởi công xây dựng năm 1925 dưới thời Pháp thuộc. Năm 1932, Nhà máy hoàn thành xây dựng đợt 1 với 4 lò hơi. Sau đó, Nhà máy tiến hành xây dựng đợt 2 với 4 lò hơi nữa. Đến năm 1949 tiếp tục mở rộng công suất bằng việc xây thêm 2 lò.
Là một trong những nhà máy thuộc Công ty Điện khí Đông Dương, trước năm 1960, Nhà máy điện Yên Phụ là Nhà máy điện lớn nhất miền Bắc, đóng vai trò chủ lực, có công suất 22,5 MW.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nhà máy điện Yên Phụ được ví như một “kho” huyền thoại lịch sử bởi chứa đựng nhiều sự kiện, kỳ tích gắn liền với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến. Chiều 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ nhận nhiệm vụ hết sức trọng đại, cắt điện, báo hiệu cho các đơn vị phối hợp cùng hành động. Mục tiêu đề ra là không phá hỏng thiết bị, chỉ cần cắt điện toàn thành phố trong một thời gian ngắn. Đồng thời phải đảm bảo bí mật, chính xác và chắc thắng. Đúng 20h30 ngày 19/12/1946, tiếng nổ lớn vang lên, đèn điện Hà Nội vụt tắt. Hiệu lệnh tấn công đã được phát đi, các đơn vị cùng lúc đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt. Một số anh em đã hy sinh, nhưng tất cả vẫn tiến lên với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Năm 1954, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Trước khi vào tiếp quản Thủ đô, chủ trương của Đảng và Chính phủ là khi tiếp quản, Thủ đô phải có điện, phải an toàn, đảm bảo nhu cầu ăn, ở, điện nước cho nhân dân. Anh em công nhân Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ đã đấu tranh quyết liệt, một mất một còn với địch để đảm bảo các mục tiêu trên.
CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà. (Hà Nội tháng 6/1966). Ảnh: Trần Nguyên Hợi
Từ 1961 – 1965, cán bộ công nhân Nhà máy điện Yên Phụ tập trung sản xuất điện, phục hồi kinh tế, phục vụ các kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế đất nước.
Năm 1966, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Sản lượng điện hằng năm của Nhà máy điện Yên Phụ đang đạt hàng trăm triệu kWh, gần đạt công suất thiết kế, thì Nhà máy bị những trận ném bom đánh phá ác liệt của Mỹ. Ngày 19/5/1967, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom vào Nhà máy. Ngày 21/5/1967, máy bay Mỹ oanh tạc lò hơi của Nhà máy, làm hư hỏng nặng lò hơi Ba Lan số 14.
Ngày 10/6/1967, giặc Mỹ tiếp tục bồi thêm trận đánh phá nữa, nhưng bom không nổ, nằm trên nóc lò hơi số 2. Lực lượng công binh tiến hành kiểm tra quả bom chưa nổ, phát hiện bên trong có một cuộn phim chụp mục tiêu. Đó là bom vô tuyến. BCH quân sự Nhà máy kết luận, phải có cuộc đấu trí mới, bảo vệ mục tiêu, đánh lừa địch, ngụy trang nhà máy bằng cách xây tường phòng không xung quanh, làm các dị hình trên nóc nhà máy, sơn đen nhà máy và toàn bộ khu vực xung quanh. Bộ đội hóa học phun khói hỏa mù khi có báo động máy bay đến, làm cho máy bay Mỹ khó phát hiện mục tiêu, khó thả bom trúng Nhà máy. Đồng thời tiến hành khẩn trương làm các cầu tụt thoát hiểm cho cán bộ công nhân, khi có báo động sẽ sơ tán kịp thời.
Ngày 21/8/1967, máy bay Mỹ đánh trận thứ 4 vào khu trung tâm Nhà máy, phá hủy hoàn toàn nóc nhà tuabin và gian máy. Trận đánh này khiến Nhà máy thiệt hại nặng nề.
Ngày 26/10/1967, máy bay Mỹ đánh trận thứ 5 vô cùng ác liệt, gây sức ép rất lớn, công nhân Nhà máy và các lực lượng vũ trang đã chống trả đến cùng, bắn 1 máy bay Mỹ rơi vào bể xỉ than của Nhà máy, bắt sống phi công. Ngày 21/12/1972, máy bay Mỹ tiếp tục dội bom lazer xuống Nhà máy làm sập hàng trăm tấn bê tông cốt thép. Hai công nhân vận hành lò đã hy sinh. . Nhà máy bị hư hỏng phần lớn trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng. Ngày 27/12/1972, cán bộ công nhân Nhà máy đã khôi phục được 1 số lò hơi và khẩn trương đưa vào vận hành. Tính đến hết quý 1/1973, đã khôi phục xong các thiết bị chính đưa vào sản xuất.
Ngày 18/5/1996, Nhà máy điện Yên Phụ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1984, do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước cần nhiều nguồn điện lớn, Nhà máy thay đổi nhiệm vụ, chuyển thành Xưởng phát bù. Năm 1988, Nhà máy điện Yên Phụ đã ngừng hoạt động sau 63 năm vừa sản xuất vừa chiến đấu, góp phần bảo vệ Thủ đô. Trên phần đất của Nhà máy điện Yên Phụ năm xưa, giờ là Tòa tháp đôi hiện đại - trụ sở làm việc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị ngành Điện.