5 giờ sáng, bình minh còn chưa hé rạng, tôi nhận nhiệm vụ cùng đoàn quay phim của Đài PTTH Lào Cai đi ghi nhận thực tế tình hình khắc phục lưới điện ở “tâm” lũ Bảo Yên của tỉnh Lào Cai.
Dù đã hình dung trước về một địa bàn hoang tàn sau mưa lũ vì Bảo Yên bị tàn phá nặng nề nhất. Xác định chuyến đi sẽ mất cả ngày trời, nhưng những gì tôi lần lượt chứng kiến trong suốt hành trình quả thực vượt xa cả trí tưởng tượng phong phú nhất của bản thân.
Mất gần 2 giờ đồng hồ, vượt qua hàng chục điểm cắm biển cảnh báo, là những miệng taluy đầy bùn đất từ trên đồi cao chỉ trực chờ có thêm một trận mưa là sạt lở toàn bộ xuống dưới, chúng tôi mới đến được Bảo Yên. Cảnh tượng thanh bình xưa kia nay thay thế bởi một sự điêu tàn, đâu đâu cũng ngổn ngang đất đá, rác rưởi khi cơn lũ mới rút chưa được ít ngày.
Cơn lũ rút đi để lại cảnh điêu tàn với ngổn ngang đất đá, rác rưởi
Tới trụ sở Điện lực Bảo Yên, chỉ còn 1 vài cán bộ trực hành chính và Giám đốc Nguyễn Văn Du. Anh Du bảo, mọi người từ sớm đã chia 5 mũi tăng cường khắc phục sự cố hết, anh cũng chuẩn bị vào chỉ đạo nhóm công tác tại “bến Cóc”. Muốn chứng kiến nỗi vất vả của anh em, tôi hỏi anh Du nơi nhóm công tác làm việc xa nhất, khó nhất để đồng hành cùng mọi người. Anh Du chỉ nhẹ nhàng cười, nói: “Chỗ nào bây giờ cũng khó cả, xe máy còn chẳng đi được đâu, mấy chục cây số đi bộ, sạt lở khó lường, nhưng tôi sẽ đưa bạn đi cùng tôi đến một nơi để đủ cảm nhận ít nhiều”. Và sau đó, chúng tôi được theo chân anh Du tới khu vực “bến Cóc” (Phúc Khánh, Long Khánh), gần nơi xảy ra thảm họa làng Nủ kinh hoàng, sạt lở vùi lấp gần 40 hộ dân, khiến hơn 60 người chết và mất tích…
Có những vị trí sự cố, công nhân điện lực phải mất 7-8 tiếng đi bộ mới tiếp cận được hiện trường
Chiếc xe gầm cao rung bần bật chạy trên Quốc lộ 70 hướng xuôi về Hà Nội, qua những lớp bùn dày cả gang tay còn chưa kịp khô hết, bụi hất văng mù mịt, nhà cửa, cây cối hai bên đường vẫn in hằn mép nước lũ dâng cao mấy ngày trước đó. Suốt dọc đường, nghe những câu chuyện kể của anh Du về công nhân của mình mà lòng tôi quặn lại. Bao nhiêu anh em cũng giống như bà con đang tất bật dọn dẹp ngoài kia, từng bất lực cam chịu cảnh nhà mình ngập sâu, cùng tài sản lũ lượt trôi theo dòng nước. Tôi chợt hỏi: “Lúc đó họ ở đâu?”, anh Du cười buồn: “Còn phải trực, xử lý sự cố. Ngay cậu Giảng – Phó Giám đốc, lũ về ban đêm, trưa hôm sau mới xong việc về nhà thì tài sản đầu tiên vướt được nổi lềnh phềnh trong bùn nước là tờ giấy kết hôn…”.
Khi đến gần thủy điện Phúc Long, tôi thấy một chiếc xe đỗ giữa đường. Tò mò thò đầu ra nhìn, tôi bắt gặp một nhân viên cứu hộ ra hiệu dừng lại, giọng trầm buồn: “Anh chị đợi chút, chúng tôi vừa vớt được hai thi thể dưới sông.” Ánh mắt nặng nề của anh ta khiến tôi ám ảnh, chợt nghĩ đến biết bao nhiêu người vẫn còn đang mất tích, và mỗi ngày trôi qua, những tia hy vọng của gia đình, người thân họ càng thêm leo lắt. Đang miên man trong dòng duy nghĩ thì xe cập nơi cần đến. Anh em công nhân đang miệt mài kéo từng đoạn dây điện ra khỏi đống bùn đất khổng lồ, như thể chẳng để ý tới thời gian và cảnh tượng đổ nát xung quanh. Đôi chân của họ ngập sâu trong bùn lầy, tưởng chừng muốn nuốt chửng tất cả. Cách đó một quãng, một tốp công nhân khác đang kiểm tra thiết bị, tận tình hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn trước khi đóng điện.
|
|
Các anh công nhân, cứ leo lên, tụt xuống, miệt mài với công việc
Cùng theo chân các anh đến một gia đình, sau khi được công nhân Điện lực Bảo Yên hướng dẫn kỹ lưỡng cách vệ sinh thiết bị và kiểm tra an toàn trước khi đóng điện, anh Mai Tiến Hưng, thôn Tổng Vương, xã Phúc Khánh chia sẻ: "Cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Khi mất điện, không chỉ sinh hoạt của người dân bị gián đoạn, mà còn thiếu các phương tiện để khắc phục sự cố. Thay mặt bà con, tôi xin gửi lời cảm ơn đến ngành Việt Nam cũng như Điện lực Bảo Yên vì đã nỗ lực vượt qua thiên tai khắc nghiệt, địa hình hiểm trở và thời gian để kịp thời cấp điện trở lại cho người dân, giúp bà con sớm khắc phục hậu quả sau lũ và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường."
Công nhân Điện lực Bảo Yên hướng dẫn khách hàng tháo, vệ sinh ổ cắm điện
Điện thoại tôi reo vang, là anh Hưng – Chánh văn phòng. Tôi bấm nghe nhưng cuộc gọi đột ngột ngắt. Bấm lại thì không thể liên lạc, sóng yếu chập chờn. Sau vài lần cố gắng, cuối cùng tôi cũng nghe được, nhưng âm thanh lúc có, lúc không. Anh Hưng nói: "Em gọi cho anh Du không được, Giám đốc và các lãnh đạo khác đang trên đường đến động viên anh em..." Khi gặp nhau tại hiện trường, anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc PC Lào Cai, không quên dặn dò: "Anh em cố gắng nhưng phải đảm bảo an toàn và không được ốm đâu nhé". Lời nói nhẹ nhàng nhưng đầy quan tâm, như chứa đựng sự lo lắng trong ánh mắt của người đứng đầu. Bão đã qua, nhưng hậu quả vẫn còn hiện hữu, và anh em công nhân vẫn phải miệt mài ngày đêm khắc phục những tàn phá nặng nề của thiên nhiên, cố gắng khôi phục sự cố nhanh nhất để sớm cấp điện lại, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Sau khi chia tay đoàn công tác của Giám đốc, chúng tôi cùng nhóm làm việc tiếp tục hành trình. Đến trưa, chúng tôi có mặt tại trạm biến áp Long Khánh 3. Mặc dù trạm nằm ngay cạnh đường, nhưng lối vào đã bị bùn lầy chắn ngang. Anh Thỏa, Đội phó Đội Quản lý tổng hợp, người trực tiếp chỉ huy nhóm công tác, phải mượn một tấm ván từ nhà dân gần đó để bắc lối đi vào trạm. Dây điện bị đứt, thiết bị ngập nước, và các công nhân phải cẩn thận từng chút một, kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo việc cấp điện trở lại được an toàn. Tạm nghỉ chân dưới mái hiên của một ngôi nhà gần trạm, tôi được chủ nhà mang ra chai nước và nói: "Nước của đoàn từ thiện hôm qua, chị uống đi cho đỡ khát ạ." Chai nước ấy không chỉ giúp tôi dịu cơn khát mà còn chứa đựng tình cảm sẻ chia, đồng cảm của người dân với những thợ điện áo cam. Đến một địa điểm khác, khi thấy đôi giày bê bết bùn đất, ướt nhẹp, chủ nhà vội mang ra đôi ủng tặng, giúp họ tránh được mảnh sành trên con đường đầy bùn lầy. Ở một tốp khác, những người thợ đang bì bõm lội bùn, vai đeo túi dụng cụ nặng trĩu, tay gạt mồ hôi, thì một xe từ thiện đi qua mở cửa và gọi: "Anh thợ điện ơi," rồi trao cho một thùng nước uống. Những hành động nhỏ bé nhưng ấm áp vô cùng.
Quá trưa, chúng tôi chia tay nhóm công tác để tiếp tục hành trình tại thị trấn Phố Ràng. Trước khi rời đi, anh Du dặn dò anh Nguyễn Xuân Thỏa, đội phó đội QLTH Bảo Yên, thông báo cho công nhân nghỉ ăn trưa. "Sáng nay chị em đã chuẩn bị sẵn nồi xôi và thịt hộp để anh em ăn trưa," anh Du nói. Tôi thầm nghĩ, trong điều kiện như thế này, có gói xôi để ăn đã là điều rất đáng quý. Trước khi rời Điện lực Bảo Yên, tôi gặp anh Phạm Văn Hải – CB an toàn và anh Hoàng Hải Anh – Nhân viên phòng Kế hoạch kỹ thuật, những người đã kịp chuyển thiết bị truyền dẫn và công tơ điện tử lên cao để tránh ngập, dù nhà cửa của họ cũng bị chìm trong nước lũ. "Đây là nhiệm vụ chung," anh Hải nói. "Chúng tôi phải bảo đảm an toàn cho thiết bị, bởi nó liên quan trực tiếp đến việc vận hành lưới điện của tỉnh."
Một ngày theo chân các anh thợ điện Bảo Yên đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên. Giữa những mất mát và đau thương do thiên tai gây ra, hình ảnh những người công nhân ngành điện Lào Cai, nơi tâm lũ, họ vẫn thầm lặng cống hiến cho công việc mà gác lại việc riêng của gia đình mình. Đằng sau mỗi ánh đèn sáng lên sau bão lũ là sự vất vả và hy sinh thầm lặng của những người thợ điện, những chiến binh áo cam của thời bình.
Trên đường về, trong lòng tôi vẫn vang vọng câu nói của một anh thợ điện: "Nhà em ngập, nhưng vợ con đã an toàn. Ở đây, điện cần cho cứu hộ, cần cho bà con, nên bọn em phải cố gắng, dù khó khăn đến đâu."
Tác giả: Nguyễn Hiền– PC Lào Cai