Sáng 11/4/2024, Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã tổ chức Hội nghị triển khai phong trào “Nam giới và bình đẳng giới”. Ông Lê Xuân Thái - Chủ tịch Công đoàn EVNSPC chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có Thường trực, BCH Công đoàn EVNSPC, BCH Công đoàn cơ sở và các cấp trực thuộc tại các điểm cầu truyền hình đơn vị.
Thực hiện Kế hoạch liên tịch số 1005/KHLT-EVN-CĐĐVN ngày 27/2/2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 21/3/2024 Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công đoàn Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Nam giới và bình đẳng giới” tại EVNSPCvới 3 nhiệm vụ chính là phổ biến, tuyên truyền các thông tin về tầm nhìn, hành trình thúc đẩy bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và các giải pháp cụ thể đến tất cả CNVCLĐ tại đơn vị. Tổ chức thực hiện phong trào hiệu quả, thiết thực, bám sát nội dung định hướng trong hành trình thúc đẩy bình đẳng giới; tổ chức ít nhất một hoạt động chia sẻ, thảo luận hoặc tọa đàm tại đơn vị mình về nội dung “Nam giới và bình đẳng giới”. Tổ chức đánh giá kết quả phong trào “Nam giới và bình đẳng giới” tại các đơn vị; chú trọng việc phát hiện, khen thưởng, bồi dưỡng và nhân rộng tấm gương nam quản lý điển hình trong công tác bình đẳng giới để có nhiều chia sẻ và thảo luận cách hỗ trợ nữ đồng nghiệp tại nơi làm việc, gắn với công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, hoạt động sáng tạo để xây dựng môi trường cũng như văn hóa làm việc đa dạng, hòa nhập hơn.

Các đại biểu thảo luận về vai trò của nam giới quản lý trong EVN
Tiếp cận Bình đẳng giới từ quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Với ý nghĩa “Bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội”, Hội nghị đã tập trung quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Trong bản Di chúc T5/1968, Bác viết: “… Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Tìm hiểu quy định của pháp luật về Bình đẳng giới
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghiên cứu các quy định của pháp luật về Bình đẳng giới, như Luật Bình đẳng giới năm 2006 (chủ yếu tại các Điều 6 - Các nguyên tắc về bình đẳng giới và Điều 19 - Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới) và Nghị định 70/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bình đẳng giới, Nghị định 48/2009/NĐ-CP Quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.
Những vấn đề của nam giới hiện nay và khái niệm “Nam tính độc hại”
“Nam giới và Bình đẳng giới” được hội nghị tiếp cận từ các vấn đề nội tại của nam giới, như tư tưởng “đàn ông phải là trụ cột trong gia đình” khiến nhiều anh em cảm thấy bị áp lực. Mặc dù luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm, nhiều người rất lo sợ, hoang mang, thậm chí cô đơn, đau khổ khi công việc mức thu nhập không tốt, chăm lo cho gia đình không như mong muốn... hoặc, khi người ta nhìn nhận những hành vi bất bình đẳng giới nhưng chưa tính đến đặc điểm giới, một ví dụ điển hình như sức khỏe phụ nữ không tốt bằng nam giới, nhưng lại khéo léo hơn, phù hợp với những công việc nhẹ nhàng, cần sự tỉ mỉ, dẻo dai. Ngược lại, có nhiều việc đàn ông làm tốt hơn phụ nữ, đặc biệt các công việc đòi hỏi khỏe mạnh, sức vóc. Do đó, nhìn nhận bình đẳng giới là ưu tiên cho phái nữ là không phù hợp.
Ngoài ra, tiêu chí truyền thống về “một người đàn ông đích thực” đã kéo lùi nam giới và bình đẳng giới. Ví dụ như đàn ông phải là người kiếm được nhiều tiền, phải là trụ cột kinh tế trong gia đình đang trở thành áp lực nặng nề đối với đàn ông thời hiện đại. Khi họ bị thua kém những người phụ nữ giỏi giang, kiếm tiền nhiều hơn mình thì họ trở nên mặc cảm tự ti, thấy quyền lực của mình bị thách thức và có một số người dùng bạo lực để lấy lại uy quyền uy của mình.
Từ đó, các đại biểu đã tiếp cận về một khái niệm còn khá mới mẻ, vừa được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn thời gian gần đây, đó là “Nam tính độc hại”. Đây là thuộc tính nguy hiểm vì nó hạn chế và cản trở sự phát triển bình thường của nam giới, là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nó có thể ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi đối mặt với vấn đề về sức khỏe hoặc các vấn đề tiềm ẩn khác. Đối với một số người, yêu cầu sự giúp đỡ có thể bị xem là những người đàn ông kém cỏi.
Giảm tác hại của “Nam tính độc hại” và tiếp tục hành trình bình đẳng giới
Để triển khai có hiệu quả phong trào “Nam giới và bình đẳng giới”, Công đoàn EVNSPC thống nhất triển khai các đợt truyền thông cụ thể ở các cấp công đoàn và tăng cường vận động đoàn viên nam thực thi các giải pháp cụ thể, bước đầu trong phòng tránh “Nam tính độc hại” tại cơ quan, như: i) Tăng cường giao tiếp để tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; ii) Sâu sát, thấu hiểu, đưa ra biện pháp hỗ trợ, cùng giải quyết vấn đề với đồng nghiệp, cấp dưới; iii) Xây dựng và duy trì môi trường làm việc thân thiện, hòa nhập bình đẳng, gắn kết hợp tác và chia sẻ. Và tại gia đình, như: i) Quan tâm, chăm sóc bạn đời, con cái, gia đình nhiều hơn; ii) Thường xuyên chia sẻ, cùng làm việc nhà; iii) Thường xuyên tập luyện thể dục - thể thao; iv) Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá… với thông điệp “Chỉ có sự bình đẳng mới có thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cả hai giới”, nhằm góp phần tham gia thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về Bình đẳng giới trong toàn Tổng công ty./.
Tác giả: Bảo Trân