Ngày 16/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng với Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) phối hợp tổ chức hội nghị Đối thoại tại nơi làm việc năm 2025 về dự thảo Quy chế phân phối tiền lương EVN năm 2025. Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn và Chủ tịch Công đoàn ĐLVN Đỗ Đức Hùng đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị đối thoại về phía EVN có các đồng chí lãnh đạo các Ban chuyên môn EVN gồm: Ban Tổ chức và Nhân sự, Ban Tài chính Kế toán, Ban Pháp Chế, Ban Kế hoạch, Ban Quản lý Đầu tư, Ban An toàn, Ban Kỹ thuật sản xuất, Văn phòng.
Về phía Công đoàn ĐLVN có các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn ĐLVN: ông Uông Quang Huy; các đồng chí thành viên Tổ đối thoại theo Quyết định của Công đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban tham mưu của Công đoàn Điện lực Việt Nam cùng tham dự.
Tại Hội nghị ông Lê Viết Ngọc, Phó Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự EVN đã thông qua bản tóm tắt các nội dung trọng tâm dự thảo Quy định phân phối tiền lương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2025.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Tại Hội nghị, ông Uông Quang Huy – Phó Chủ tịch Công đoàn ĐLVN đã trình bày tóm tắt 07 nhóm ý kiến, kiến nghị từ phía người lao động về dự thảo Quy định phân phối tiền lương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2025 để cùng trao đổi và thống nhất nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tế hoạt động và định hướng đổi mới cơ chế tiền lương trong các đơn vị trực thuộc công ty mẹ EVN.
Ông Uông Quang Huy – Phó Chủ tịch Công đoàn ĐLVN phát biểu tại buổi đối thoại
Công đoàn đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn trong việc xây dựng Dự thảo Quy định phân phối tiền lương năm 2025 bám sát các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định số 44/2024/NĐ-CP và Thông tư số 003/2025/TT-BNV. Dự thảo thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ, gắn tiền lương với hiệu quả sản xuất, năng suất lao động và đóng góp thực tế của người lao động tại từng đơn vị. Việc quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá, hệ số phân bổ, mức lương tối đa, tối thiểu...là cơ sở để đảm bảo công bằng trong phân phối thu nhập và nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Tuy thống nhất về định hướng chung, Công đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã nêu rõ một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế tại các đơn vị thành viên. Cụ thể, liên quan đến hệ số đặc thù tại khoản 2 Điều 10, Dự thảo chưa đề cập đến đặc điểm của các đơn vị hoạt động ở vùng sâu, vùng xa – nơi gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động do mức thu nhập chưa đủ cạnh tranh. Công đoàn đề xuất bổ sung yếu tố địa lý đặc thù vào cơ chế phân phối tiền lương để có chính sách đãi ngộ hợp lý, qua đó thu hút và giữ chân lao động chất lượng cho các đơn vị này.
Hay tại điểm b, mục 2, Phụ lục 1, Dự thảo cần điều chỉnh cách tính hệ số khả dụng (Hkd) theo hướng bổ sung yếu tố số lượng tổ máy và công suất tổ máy. Điều này nhằm phản ánh đúng yêu cầu kỹ thuật và mức độ trách nhiệm tại các nhà máy điện có quy mô nhỏ nhưng đòi hỏi vận hành liên tục, ổn định, an toàn...
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi đối thoại
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn ĐLVN Đỗ Đức Hùng khẳng định: “Việc góp ý xây dựng Dự thảo Quy chế phân phối tiền lương thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn mong muốn các quy định tiền lương không chỉ công bằng, minh bạch mà còn là động lực để người lao động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất và chất lượng lao động.”
Phát biểu tại buổi đối thoại Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hội nghị đối thoại là dịp để phát huy dân chủ trong doanh nghiệp, ghi nhận tiếng nói của người lao động. Các ý kiến đóng góp sẽ được lãnh đạo các Ban chuyên môn tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo trước khi ban hành chính thức. Đồng thời, ông cũng lưu ý, quá trình xây dựng và ban hành Quy chế tiền lương diễn ra trong bối cảnh EVN đang thực hiện sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức, do đó các quy định cần được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Đảng ủy EVN.
Chủ tịch Công đoàn ĐLVN Đỗ Đức Hùng phát biểu tại buổi đối thoại
Tổng giám đốc EVN tin tưởng rằng, khi chính sách tiền lương mới được ban hành theo hướng công khai, công bằng, gắn với hiệu quả lao động, sẽ góp phần nâng cao đời sống người lao động và tạo động lực cho toàn hệ thống EVN hoàn thành tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới.
Dự thảo Quy chế phân phối tiền lương EVN năm 2025 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định trước đây (Quyết định số 1089/QĐ-EVN ngày 01/8/2021 và Quyết định số 207/QĐ-EVN ngày 10/2/2025) và cập nhật theo Nghị định số 44/2024/NĐ-CP, Thông tư số 003/2025/TT-BNV. Dự thảo gồm 6 chương, 17 điều và các phụ lục chi tiết.
Tác giả: Đắc Cường - Ban TGNC