Nhân dịp đồng chí Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam (CĐ ĐLVN) khóa VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trò chuyện với đồng chí về những băn khoăn, trăn trở và định hướng hoạt động công đoàn trong thời gian tới.
PV: Xin đồng chí cho biết những khó khăn, thách thức trong hoạt động công đoàn của ngành 5 năm tới?
Đồng chí Đỗ Đức Hùng: Đại hội VI xác định giai đoạn sắp tới sẽ là một nhiệm kỳ hết sức khó khăn. Cả nước bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ về khoa học công nghệ và chuyển đổi số; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ phát triển trong sự chuyển đổi năng lượng định hướng của Đảng và Chính phủ.
Các khó khăn do đại dịch Covid-19 kéo dài, xung đột kéo dài ảnh hưởng rất nặng nề đến nền kinh tế, ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành Điện. Đặc biệt là khó khăn cân bằng tài chính cho ngành Điện để ngành có cơ hội đầu tư phát triển, có cơ hội phục vụ Nhân dân tiếp theo.
Xác định khó khăn như vậy, với sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ cụ thể hóa chỉ đạo của các đồng chí, đưa vào Nghị quyết Đại hội VI sắp tới làm sao các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên càng thấy khó khăn thì quyết tâm, trách nhiệm hơn nữa, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với tổ chức Công đoàn, trách nhiệm với bản thân. Mỗi cán bộ, công nhân viên đều nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của Tập đoàn được giao.
Đồng chí Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch CĐ ĐLVN phát biểu tại Đại hội VI CĐ ĐLVN, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Đắc Cường
Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu thị trường điện, công tác tổ chức lại bộ máy điều hành, sắp xếp các đơn vị, bố trí lại lực lượng lao động... sẽ diễn ra ở nhiều đơn vị và trong tất cả các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện. Các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan có thể tác động xấu, thường xuyên hơn tới sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn.
Các tổ chức đại diện cho người lao động được phép thành lập và hoạt động, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải có phương thức hoạt động phù hợp, nhằm đảm bảo vai trò là đại diện duy nhất bảo vệ và chăm lo cho NLĐ trong Tập đoàn.
PV: Theo ông, đội ngũ cán bộ công đoàn mạnh và yếu ở những điểm nào để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới?
Ông Đỗ Đức Hùng: Các cấp công đoàn đang tập trung triển khai Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là cơ sở để Công đoàn Điện lực Việt Nam (ĐLVN) đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, tập trung động viên NLĐ nỗ lực cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam vượt qua khó khăn và phát triển. Đây cũng là cơ sở để các cấp Công đoàn ĐLVN đảm bảo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ đảm bảo nguyên tắc chuyển dịch công bằng trong chuyển đổi năng lượng.
Đối với cán bộ công đoàn cơ sở của Công đoàn ĐLVN có những mặt mạnh và mặt yếu như sau:
Về mặt mạnh, đối với cán bộ công đoàn cơ sở ở một số là cán bộ chuyên trách, số khác là kiêm nhiệm. Một số đồng chí là lãnh đạo nên có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở. Các đồng chí là cán bộ công đoàn chuyên trách dành nhiều thời gian để nghiên cứu, triển khai công tác công đoàn. Trong ngành Điện, số cán bộ công đoàn cơ sở gương mẫu, trách nhiệm, uy tín, được anh em các cấp bầu lên nên có tiếng nói, tâm huyết, học hỏi, tạo nên sức mạnh cho công đoàn cơ sở. Thêm vào đó, hoạt động công đoàn được chuyên môn ủng hộ rất cao và cùng mục tiêu cao nhất là đảm bảo thu nhập, việc làm để anh em yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn.
Điểm yếu là không ít cán bộ công đoàn cơ sở từ chuyên môn chuyển sang. Không ai học công đoàn để đi làm công đoàn. Anh em có điểm yếu là kỹ năng, phương pháp hoạt động còn thiếu. Với những hạn chế đó, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn.
Đồng chí nào làm công đoàn lâu năm sẽ được tham gia các lớp nâng cao kỹ năng. Đồng chí nào mới được bầu thì sẽ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nhanh chóng hiểu Công đoàn và nắm vững phương pháp, kỹ năng.
PV: Công đoàn Điện lực Việt Nam sẽ làm gì để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới?
Ông Đỗ Đức Hùng: Trước những khó khăn thách thức rất lớn, CĐ ĐLVN xác định 5 năm tới, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn sẽ là một trong hai khâu đột phá giúp tổ chức Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Hướng hoạt động về cơ sở là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của CĐ ĐLVN. Tuy nhiên, để hướng trọng tâm hoạt động về cơ sở thì cán bộ là yếu tố quan trọng nhất. Nếu chúng ta có cán bộ công đoàn tốt, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, bản lĩnh thì các chủ trương, chính sách tốt của chúng ta sẽ càng tốt hơn.
Thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, chúng tôi sẽ tiếp tục cụ thể hóa các hoạt động, đào tạo, nâng cao trình độ, bản lĩnh, ý thức chính trị của cán bộ công đoàn các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Vận động cán bộ, công nhân viên, NLĐ nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề để tăng năng suất lao động.
Ban Chấp hành CĐ ĐLVN khóa VI ra mắt Đại hội. Ảnh: Đắc Cường
Ngay sau Đại hội VI, CĐ ĐLVN sẽ triển khai Nghị quyết, trong đó triển khai nội dung tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn. Toàn thể cán bộ, công nhân viên, cán bộ công đoàn đồng lòng, đoàn kết tạo ra sức mạnh để tiếp tục xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh với niềm tin của Đảng và Chính phủ đối với ngành Điện.
Tác giả: Thu Chinh - Tạp chí LĐCĐ