Thi đua là động lực để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo
Đồng chí Trịnh Tuấn Sơn – Ủy viên BTV Công đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn EVNNPT cho biết: Các phong trào thi đua được Công đoàn EVNNPT phát động có định hướng, mục tiêu rõ ràng, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn SXKD ở các đơn vị, lấy người lao động làm trung tâm và kết quả thi đua làm căn cứ đánh giá.
Trong quá trình thi đua, Công đoàn EVNNPT luôn bám sát cơ sở, tích cực hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí thi đua, kịp thời thăm hỏi, động viên, khích lệ người lao động phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, trong những năm qua, các phong trào thi đua trong EVNNPT đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nơi gắn kết, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Thi đua thực sự là động lực khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, bồi đắp ý chí quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ và đặt nhiều dấu ấn rõ nét trong mỗi bước phát triển của EVNNPT.
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVN lần thứ III, đối với TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối vào tháng 7/2020 |
Nổi bật là các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Tổng công ty góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép". Phong trào“Lao động giỏi, lao động sáng tạo” diễn ra đều khắp, trọng tâm là phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong SXKD; phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” trong khối cơ quan Tổng công ty và các đơn vị; phong trào “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” trong hoạt động công đoàn.
Các phong trào thi đua đã tạo động lực thực sự cho cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng KHCN, chuyển đổi số vào mọi mặt hoạt động. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Tổng công ty đã có 1.765 sáng kiến, giải pháp hữu ích được áp dụng vào thực tiễn, được Tổng Liên đoàn cấp 35 Bằng Lao động sáng tạo. Đặc biệt, riêng 2 năm qua, đã có 1.103 sáng kiến, giải pháp hữu ích được công nhận, đóng góp tích cực vào Chương trình “10.000 sáng kiến của EVN” và “1 triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn”, giúp EVNNPT về đích trước 4 tháng và đạt 155,57% chỉ tiêu được giao.
Phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” đã đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực, được các Công ty Truyền tải điện cụ thể hoá thành phong trào “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu” và tiếp tục được đổi mới, nâng lên thành phong trào “Trạm và đường dây tiêu biểu” với nhiều tiêu chí đánh giá được lượng hoá và yêu cầu ở mức độ cao hơn.
Phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm, cấp bách đã phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Trong 5 năm gần đây, 15 công trình được gắn biển các cấp chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của ngành và Tổng công ty, tiêu biểu như: Công trình nâng công suất TBA 500kV Vĩnh Tân; Công trình xây dựng TBA 220kV Ninh Phước là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVN nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phong trào thi đua Công trình xây dựng đường dây 500kV mạch 3, cung đoạn từ Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19, thời tiết bão lũ diễn ra rất phức tạp, công tác GPMB gặp rất nhiều vướng mắc nhưng bằng sự nỗ lực chung, công trình đã cán đích. Đặc biệt, phong trào thi đua liên kết trên cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã khích lệ, động viên tất cả các lực lượng tham gia trên công trường, để “thần tốc” đưa Dự án vượt tiến độ 27 ngày so với kế hoạch. Đây là công trình đầu tiên trong cả nước được Tổng Liên đoàn tổ chức Lễ gắn biển chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu và hàng nghìn sáng kiến, giải pháp hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD, tăng NSLĐ, giúp CNVCLĐ nhanh chóng nắm bắt và làm chủ các thiết bị công nghệ mới; tạo dựng nề nếp chính quy trong công tác; tạo nên con người EVNNPT có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, luôn coi trọng tính nhân văn, giàu lòng nhân ái và có khát vọng vươn lên; xây dựng hình ảnh EVNNPT ngày càng tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội.
Nhiều tập thể, cá nhân của EVNNPT đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua liên kết xây dựng TBA 500kV Vân Phong và đấu nối được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khen thưởng, tháng 4/2023 |
Những bài học được rút ra
Chủ tịch Công đoàn EVNNPT – Trịnh Tuấn Sơn cho biết: Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, Công đoàn EVNNPT rút ra các bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chuyên môn và công đoàn các cấp; khơi dậy tính chủ động, sáng tạo vượt khó của CNVCLĐ trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là nhân tố quyết định để tổ chức các phong trào thi đua có hiệu quả.
Thứ hai, các phong trào thi đua phải có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn cụ thể; coi trọng công tác xây dựng và triển khai kế hoạch, nội dung, chương trình, tiêu chí thi đua. Đây được coi là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nên thành công của phong trào thi đua.
Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay để kịp thời nhân rộng, tạo sức lan toả. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức thực hiện, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Thứ tư, công tác khen thưởng phải đảm bảo công khai, khách quan, kịp thời; chú trọng khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp sản xuất, công tác ở cơ sở; kết hợp khen thưởng đột xuất với khen thưởng chuyên đề, tránh tràn lan, hình thức.
Thứ năm, phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua để đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa “phát” và “động” trong thực tiễn. Đặc biệt là xác định thời điểm “đỉnh cao” của phong trào để đưa ra giải pháp thúc đẩy đúng lúc, mang lại hiệu quả cao.