Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa phát đi thông báo hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025", theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN).
Theo Lãnh đạo EVNSPC, mục đích yêu cầu của chương trình là tập trung cao điểm về các hoạt động tuyên truyền, lập và thực hiện các chương trình hành động cụ thể về công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm đáp ứng hiệu quả chủ đề của tháng hành động ATVSLĐ năm 2025, qua đó nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Các đơn vị cần lập kế hoạch, tổ chức thực hiện cụ thể, thiết thực, trọng tâm, hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động về ATVSLĐ”.
Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 được phát động trên phạm vi cả nước, trong EVN từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 5 năm 2025. Lễ phát động tại Trung ương kết hợp Tháng công nhân năm 2025 dự kiến được tổ chức vào ngày 25/4/2025 tại TP. Hà Nội hoặc một địa phương trọng điểm, EVN dự kiến tổ chức phát động tại TP. Hà Nội vào ngày 29/4/2025.
Tăng cường công tác chăm lo sức khỏe cho người lao động, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp (ảnh: PCLĐ)
Trên tinh thần đó, EVNSPC giao các đơn vị phối hợp với Công đoàn cùng cấp lập kế hoạch, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị bảo đảm có trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, sát với cơ sở trực tiếp sản xuất và thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực đông đảo người lao động, các tổ chức đoàn thể.
Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó tăng cường các hoạt động phối hợp, lồng ghép trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2025, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động hưởng ứng phù hợp và thiết thực.
Đảm bảo an toàn thi công trong điều kiện thời tiết nắng nóng, hạn chế rảy ra tình trạng sốc nhiệt (ảnh: PCLA)
Chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc các đơn vị, bộ phận trực thuộc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chuyên môn, chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).
Rà soát xây dựng, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, tăng cường giám sát sự tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Đánh giá rủi ro về an toàn theo quy định; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, thực hành sơ cấp cứu.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc đặc biệt là trong sử dụng các máy, thiết bị, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Chủ động và chú trọng cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; Đầu tư cải tiến dây chuyền, công nghệ, máy, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, phòng ngừa TNLĐ, BNN.
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra về ATVSLĐ, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng công nhân. Đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, nâng cao chất lượng về công tác huấn luyện về ATVSLĐ, an toàn điện, an toàn thủy cơ nhiệt hóa; quan tâm, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.
Huấn luyện công tác PCCC tại các đơn vị (ảnh: PCLĐ)
Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức để mỗi người lao động là một tuyên truyền viên “Luôn suy nghĩ và hành động an toàn cho bản thân và đồng nghiệp trước, trong và sau khi thực hiện công việc”; “An toàn để về nhà”.
Các đơn vị lưu ý cần triển khai các nội dung như: Xây dựng kế hoạch, chương trình và thực hiện công tác an toàn theo quy định; Rà soát việc thực hiện công tác ATVSLĐ theo chỉ đạo của EVNSPC; Nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới ATVSV; Qua kiến nghị của người lao động, an toàn vệ sinh viên, đoàn kiểm tra các cấp và qua rút kinh nghiệm từ các vụ tai nạn, đơn vị tự kiểm tra khắc phục các tồn tại, đặc biệt quán triệt việc tuân thủ nội quy lao động, tuân thủ thực hiện công việc theo phiếu công tác/Lệnh công tác, các biện pháp bảo đảm an toàn khi thực hiện công việc; Phấn đấu năm 2025 không để xảy ra tai nạn đối với người lao động do vi phạm nội quy lao động, quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra và giám sát công tác an toàn tại hiện trường. Thường xuyên tổ chức kiểm tra phát hiện các mối nguy khi tổ chức công việc, lãnh đạo các cấp phải có trách nhiệm đề ra các biện pháp để kịp thời loại trừ ngay. Khi phát hiện các lỗi vi phạm, cần xử lý nghiêm khắc và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị./.
Tác giả: Lê Tám - Thành Công