Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả bài viết về Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - người được ví như một pho sử sống của ngành Điện, thủy lợi và năng lượng nước nhà - qua lời tự sự dí dỏm của nguyên Chủ tịch HĐTV EVN Đào Văn Hưng.
Tôi cả đời làm thợ, khi còn nhỏ làm thợ học, sau khi tạm biệt cổng Parabol Bách Khoa trở thành thợ làm. Thợ làm chiếm nhiều thời gian nhất, làm ra thứ mà mắt thường không thấy, không ai dám sờ vì dễ “đi xa”. Làm thợ suốt đời nên tôi học không biết bao nhiêu thầy: thầy dạy văn hoá; thầy dạy nghề; thầy dạy cách làm; thầy dạy cách nhìn xa mà không mỏi mắt chỉ mỏi óc, tức là nhìn tương lai của ngành; thầy dạy cách trình bày một vấn đề; thầy dạy ứng xử; thầy dạy làm người tử tế… Thầy nào cũng hơn tôi cái đầu, hai cái đầu, có thầy nhiều hơn không biết bao nhiêu cái đầu, nhưng có một thầy tôi kính phục nhất, đó là Thầy Cả Nhiều, người thầy như một thư viện bách khoa toàn thư. Tôi theo thầy gần 30 mùa rẫy, học miệt mài mà kiến thức thu được chỉ bằng cái móng tay. Kiến thức của thầy nhiều vô kể những cái cần học.
Thầy sinh ra trên quê hương nghe qua tưởng giàu có và yên bình, nhưng chiến tranh tàn phá đến giờ người dân vẫn nghèo. Với trí thông minh và sự chăm chỉ, thầy được đưa qua tít bên Liên Xô - nghe nói xứ đó lạnh hơn kem - để đào tạo nghề ngăn nước sông, tạo áp lực, cho chảy vào mấy thiết bị quay tít, để sản xuất ra thứ sản phẩm mà ai cũng cần, chất lượng khỏi phải chê, giá rẻ bèo.
Từ trời Tây, thầy về nước, mang nhiều thứ như kiến thức, ước mơ, hoài bão. Một thời gian ngắn sau đó, thầy lại mang balô đi Tây, lần này không phải Tây Âu mà là... Tây Bắc.
Thầy băng rừng lội suối, vượt đèo cao, rừng sâu nước độc, đi dọc từ cuối sông lên đầu sông giáp biên cương, địa đầu chữ S, nơi có thể nghe đồng bào bên ấy nói chuyện “soong thủng, chảo thủng”, tìm chỗ ngăn nước, nơi kiếm được vàng trắng cho đời. Thế là từ đó, thầy cứ mãi miết với vùng rừng núi, lâu lâu vãn việc thầy tranh thủ chạy ù về thăm vợ con, ôm con vào lòng, nhưng thầy vẫn nghĩ về những dòng sông. Mỗi một ngày nước sông đổ ra biển lớn là thầy thấy xót xa, đấy là tài nguyên vô giá mà cứ đổ ra biển. Thầy học, thầy hiểu nên thầy tiếc đứt ruột.
Có lần thầy giảng giải: “Đất nước mình còn nghèo lắm, nguồn than, dầu, khí không nhiều, bây giờ dùng hết thì 100 năm nữa, con cháu sẽ trách chúng ta”. Thầy khuyên nên khai thác nguồn nước tái tạo để sản xuất điện sẽ tiết kiệm mỗi năm cả chục triệu tấn than, nói rồi thầy chép miệng như hết than đến nơi rồi. Nghe thầy nói có lý, cánh thợ chúng tôi lượn đến xứ lạ xem cách họ làm để biết xứ người ngăn sông làm đập như thế nào.
Thế rồi cánh thợ chúng tôi đưa tay vẽ núi, vẽ rừng, chỗ nào có mấy “con rắn nước khổng lồ“ là phải tìm cho ra vị trí đặt “đơm điện”. Làm quần quật hơn chục năm, được mấy chục “đơm”, cánh thợ ngồi lại cộng cộng trừ trừ, rồi vui sướng vì vớ được vàng trắng nhiều quá, đất nước vụt qua thời kỳ “tắt đỏ nhức mắt, ù hết cả tai”.
Nghe Thầy Cả Nhiều bày rồi làm theo mà được khối việc. Quá trình đặt đơm điện, cũng toát mồ hôi hột, trăm thứ việc phải báo cáo, phải giải trình, phải làm ngày làm đêm, nhiều vấn đề cao siêu, vướng mắc phải nhờ Thầy Cả Nhiều thông não. Thầy giảng dễ hiểu, theo sát công việc, gặp khó là chạy đến thầy gỡ cho là thấy nhẹ người, công việc cứ chạy ro ro.
Tôi nhớ mãi có lần cánh thợ chúng tôi chuẩn bị làm lễ cúng trời cúng đất để đặt “đơm” thì rất nhiều “thầy địa lý" phán rằng: chỗ đó có đứt gãy địa chất! Biết làm sao bây giờ? Cánh thợ chú đành phải hoãn lại và nghĩ, chỉ có thầy mới hoá giải được những ý kiến ra ra vào vào này. Tôi chạy đến mời thầy chủ trì luận đàm với các “thầy địa lý”. Lúc đầu có nhiều ý kiến phức tạp, tôi thấy lo quá, không ngờ thầy lôi ra các tài liệu khảo sát địa chất, nói đến đâu thầy đưa tài liệu đến đó, phòng họp trở nên nghiêm túc, các nhà địa chất gật gù, chắc là thấu tình đạt lý. Kết thúc buổi tọa đàm thầy kết luận, đủ điều kiện đặt “đơm”.
Ông Thái Phụng Nê (thứ 1 từ phải sang) giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) tiến độ thi công Thủy điện Sơn La năm 2006
Tôi xin kể thêm một chuyện thót tim nữa, đấy là chuyện chuẩn bị đặt “đơm” tại bụng “con rồng nước đỏ” lớn nhất Đông Nam Á. Đây là chuyện đại sự, mấy chục triệu người bàn, nào là chuyện Sơn Tinh & Thuỷ Tinh, chuyện lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày. Đặc biệt là tình huống vỡ bờ be đặt “đơm”, có dị nhân nói rằng, khi đó sẽ cuốn chiếc xe tăng nặng cả mấy chục nghìn kilogam trôi ra biển Đông như chiếc lá vàng rơi. Thế là bà con nhao lên bàn tán dập dềnh như sóng biển; đồng thời có một số ý kiến bảo phải be bờ thấp thôi, ý kiến này làm cánh thợ chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ vì tiếc của trời. Mỗi năm có khoảng 50-55 tỷ m3 nước trôi tuột ra biển, chưa kịp sản xuất 15 tỉ kWh mỗi năm, nếu quy thóc thì coi như 1,5 triệu tấn thóc đổ ra biển, tiếc quá, tiếc rụng râu, rầu thối ruột.
Chuyện đặt đơm mỗi ngày một khó khăn phức tạp, đến đâu cũng thấy nói về “chiếc lá vàng rơi”. Mấy “thánh phán” ngồi quán cóc còn đơm đặt những chuyện nghe rùng rợn hơn. Trong lúc khó khăn nhất thì bề trên tìm thầy đang ở trỏng, điều ra ngay, ra ngay để viết ra toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc đặt “đơm”. Thầy viết lớp lang, rành mạch, đầy đủ các món như chuỗi thủy văn, tần suất lũ, lũ cực đại, kết cấu địa chất, phân tầng đất đá, đứt gãy Đông Tây, đứt gãy Bắc Nam, động đất, các giải pháp an toàn, rất an toàn bờ be, nhiều món nữa. Đọc lên nghe giống thực đơn ngày Tết, ngon, đậm đà hương vị, toàn thực phẩm sạch, có đầy đủ số liệu khoa học, số liệu khảo sát, đo đạc. Toàn món ngon, dễ gắp, dễ tiêu hoá.
Bề trên giao đúng người đúng việc. Khoảng 3 tháng sau, qua mấy cuộc họp để nghe thầy lập luận, rồi chứng minh, rồi lập luận, rồi chứng minh, thế là không khí dịu hẳn. Vì thầy nói có sách, mà sách thầy thì nhiều; thầy mách có chứng, chứng của thầy thì không ai bằng, thầy lấy chứng rất thực tiễn từ những việc chính tay thầy làm, rồi chứng của thế giới làm. Báo cáo thầy viết được trình bày lên từng cấp, đến nơi cao nhất, chuyên bàn việc đại sự quốc dân, quyết cái rẹt, nghe sướng bụng và đã hai lỗ tai thế cơ chứ.
Sau khi nghe cái “rẹt”, như một phát súng lệnh, cánh thợ được đà thừa thắng xông lên, be bờ đắp đập, người, xe, thiết bị cứ rầm rập suốt ngày đêm, chỉ 2 năm sau làm lễ cúng trời đất thì cũng là ngày Bác Cả Sáu (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) ném cục đá to tướng để chặn dòng.
Nhờ thế mà bây giờ cứ mỗi năm dân thu về một triệu rưỡi tấn thóc mà không tốn cả triệu hecta đất trồng, không lo sâu rầy, không bón thuốc trừ sâu độc hại, không lo mất mùa. Quyết chuẩn thật, đúng mười năm, rồi tiếp tục đúng 100 năm nữa. Bây giờ ngồi ngẫm lại nghề đặt “đơm điện” vất vả, đặt xong rồi phải ngồi trông mấy chục cái “đơm”, cả đời nơi rừng sâu nước độc, sống xa gia đình, nhưng thấy giữ lại mỗi năm hơn chục triệu tấn thóc thì cố mà ngồi.
Nhiều lúc thầy tâm sự thấy hơi chạnh lòng, cứ mùa lũ là “xóm dưới, làng trên “lại đỗ lỗi cho người đặt “đơm điện”, rồi thầy giải thích nước lũ chảy vào hồ giống như mình mở vòi nước vào chậu thau, chậu chứa có hạn, nhiều nước buộc phải tràn ra ngoài. Cánh thợ chúng tôi thấy Đồng bằng Sông Cửu Long rộng cò bay mỏi cánh, có đặt “ đơm” nào đâu mà mùa lũ nước lênh láng như biển, dân phải làm nhà trên thùng phi theo con nước mà sống. Thầy bảo thôi các chú làm được thế là tốt rồi, dân có là mắng tý không sao. Thầy học cao, hiểu biết rộng, đặc biệt kiến thức về trời đất, được thầy động viên, nên cánh thợ cảm thấy có nguồn an ủi, làm động lực tiếp tục trông coi “đơm “ nơi khỉ ho, vượn hú.
Thầy đã qua 84 mùa con ong đi lấy mật, nhưng vẫn nghiên cứu, vẫn đọc những vấn đề khó như lên giời, mà hình như nhờ thế mà thầy khỏe. Đọc xong một tập dày cộp, thầy lại hoạt bát hơn giống như vừa tập bài “Trường Xuân công”. Thế cho nên cái gì thầy cũng biết, cũng sâu. Thầy cũng bắt đầu là thợ làm, nhưng thầy làm giỏi, nên chẳng mấy chốc thầy làm quản lý nhà đặt “đơm” Thác Bà, Hoà Bình, rồi thầy đứng đầu ngành, đứng đầu tỉnh. Thầy làm việc say sưa, tận tụy.
Có lần đang be bờ trên lưng “con rồng đỏ” thì lũ bất thần đổ về sớm, cuồn cuộn, nước xô mạnh vào bờ be rung lên, ngàn cân treo sợi tóc. Thầy lấy chứng minh nhân dân cất vào túi rồi lao lên đê chỉ huy các lực lượng thi công như một vị tướng giữa trận chiến ác liệt để đắp đất đá ngăn lũ. Sau này thầy kể lại cảm xúc lúc đó là chỉ nghĩ cứu đập, dù có phải hy sinh. “Nếu lũ tăng thêm vài nghìn mét khối trên giây nữa thôi thì các anh tìm thấy tôi ở cuối sông”- thầy bảo với chúng tôi như vậy! Đúng là thầy sống chết với nghề, với ngành, với hạt gạo làng ta.
Lúc vắng thầy, mọi người hay ví thầy là cây đa cây đề, cây đại thụ. Nhà nước và nhân dân gọi thầy là “Anh hùng Lao động”. Còn cánh thợ chúng tôi ngàn năm sau vẫn tôn kính gọi là Thầy Cả Nhiều.
thiệu