Thông tin từ Ban An toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày 9/1/2023 cho biết: Qua công tác theo dõi, rà soát, phân tích báo cáo tháng/ năm và kiểm tra thực tế tại nhiều đơn vị về việc thực hiện giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, vi phạm pha - đất, kết thúc năm 2022, nhiều đơn vị đã hoàn thành, đáp ứng được chỉ tiêu, tiến độ mà Tổng Công ty giao.
Đội Quản lý Cao thể Tuyên Quang kiểm tra hành lang đảm bảo ANTLĐCA tại các khoảng cột do đơn vị quản lý vận hành
Trong số 27 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc EVNNPC có 12 Công ty Điện lực không còn điểm vi phạm Hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) và vi phạm pha – đất. Số vụ tai nạn điện trong dân có liên quan đến hành vi vi phạm HLATLĐCA giảm nhiều so với năm 2021 (năm 2022: 25 vụ/ năm 2021: 68 vụ). Tuy nhiên, số vụ sự cố lưới điện trung áp có yếu tố vi phạm HLATLĐCA vẫn chiếm 16% trong tổng số vụ sự cố năm 2022.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện cao áp, phòng ngừa tai nạn rủi ro, giảm thiểu sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu công tác an toàn năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cùng các đơn vị sẽ phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực ngay từ đầu năm.
Theo đó, trong công tác quản lý HLATLĐCA và pha - đất, các đơn vị thuộc EVNNPC sẽ tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn điện trong dân do vi phạm HLATLĐCA cũng như ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ sự cố do vi phạm HLATLĐCA
Với tốc độ đô thị hóa tại nhiều địa phương rất nhanh như hiện nay, việc vi phạm pha-đất do san lấp, làm đường… là rất phức tạp, do vậy các đơn vị trong EVNNPC cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, có báo cáo, đề xuất lên UBND cấp tỉnh để dựng cổng hạn chế độ cao, cắm biển báo 239 và 509a, rào chắn đường hạn chế đi lại, thậm chí đề nghị cấm đường cho đến khi đường dây đảm bảo an toàn và đủ điều kiện vận hành.
PC Ninh Bình cắm biên ảnh báo khu vực nguy hiểm
Các Đơn vị thuộc EVNNPC sẽ rà soát lại toàn bộ các đường dây ban đầu được thiết kế qua khu vực ít dân cư, đi qua ruộng có độ võng dưới 7m nay có thể đã trở thành khu vực đông dân cư; đánh giá tính chất của khu vực là ít hay đông dân cư căn cứ theo nghị định số 14/2014/NĐ-CP và phụ lục 1 nghị định số 06/2021/NĐ-CP; thực hiện ngay những biện pháp tạm thời và xây dựng phương án kỹ thuật để xóa điểm vi phạm pha đất sớm nhất.
Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị phải xây dựng quy chế phối hợp quản lý vận hành giữa Đội Lưới điện cao thế và các Điện lực, có phân tách cụ thể trách nhiệm các bên, có tổng kết hàng tháng gửi kèm báo cáo định kỳ về những công việc đã phối hợp, đánh giá hiệu quả về giảm nguy cơ sự cố, ngăn chặn phát sinh công trình vi phạm hành lang và tai nạn điện trong dân ở những lần phối hợp đó.
Tổng công ty lưu ý các đơn vị, đối với báo cáo nhanh tai nạn điện trong dân do vi phạm HLATLĐCA, các đơn vị phải có thông tin sơ bộ về đường dây xảy ra tai nạn như pha-đất, khu vực đường dây đi qua, năm đưa vào vận hành và quét ảnh hiện trường đính kèm báo cáo; nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra định kỳ ngày/đêm, thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống điện, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm pha-đất không đạt bằng biện pháp tức thời (cắm biển báo, phát thông báo tới chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư…) và xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng thông tin, để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ sự cố do vi phạm HLATLĐCA, các Công ty Điện lực phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp nhằm nhận được quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ ngành Điện, có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tới các Sở, Ban, Ngành và các địa phương trong địa bàn Tỉnh, đề xuất UBND các cấp phối hợp với ngành Điện tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những đối tượng cố tình vi phạm; chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan áp dụng đồng thời các giải pháp trong công tác đảm bảo HLBVATLĐCA như trực tiếp tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về an toàn điện, về hành lang an toàn bảo vệ lưới điện; ký cam kết về bảo vệ HLATLĐCA giữa Điện lực với chính quyền/ tổ chức đoàn thể/ người dân ….
Ngoài ra, là hoạt động thường xuyên, các đơn vị phải tăng cường hơn nữa việc phát quang cây cối trước mùa mưa bão. Khi phát hiện cây khô, cây chết phải có biện pháp chặt hạ ngay, khi phát quang xong phải thu gọn cành cây gần hành lang, tránh tình trạng khi gió lốc đến những cành cây này bị gió cuốn lên đường dây và là nguyên nhân gây sự cố. Đối với những vùng có nhiều sự cố do rắn bò, chim đậu như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa các đơn vị phải xây dựng phương án khắc phục như chụp silicon hay giải pháp ốp xà bằng ống nhựa PVC và các giải pháp khác tùy thuộc vào thực tế của đơn vị.
Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hành lang an toàn lưới điện cao áp, phòng ngừa tai nạn rủi ro, giảm thiểu sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, EVNNPC cũng sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường và gắn trách nhiệm cá nhân, các Đội, Tổ sản xuất trong công tác kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp. Tổng công ty yêu cầu các Đơn vị khi đi kiểm tra phải liệt kê đúng, đủ các hạng mục về hành lang (công trình, nhà ở, cây…), về độ võng của đường dây, kịp thời phát hiện những điểm vi phạm/ có nguy cơ vi phạm, đánh giá mức độ nguy hiểm và lập phương án xử lý, đồng thời có các biện pháp khắc phục tạm thời (như lập rào chắn, lắp biển cảnh báo), đặc biệt đối với những đường dây điện đi qua khu vực ao, hồ có tính chất hoạt động giải trí, hoạt động câu cá, nhằm ngăn chặn nguy cơ rủi ro, đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn và an toàn cho cộng đồng dân cư.
Mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch của EVN trong công tác HLATLĐCA
1. Giảm tối thiểu 30% tai nạn điện chết người trong dân do vi phạm HLAT.
2. Giảm số vụ vi phạm HLAT và không để phát sinh mới. Phấn đấu số vụ vi phạm hành lang đến năm 2025 về 00 vụ, phân bổ như sau:
- Năm 2023: giảm tối thiểu 30% số vụ vi phạm so với năm 2022.
- Năm 2024: dự kiến giảm tối thiểu 50% số vụ vi phạm còn lại.
- Năm 2025: dự kiến giảm 100% số vụ vi phạm còn lại.
3. Phấn đấu giảm tối thiểu 30% sự cố do vi phạm HLAT so với năm 2022.
4. 100% vị trí nhà, công trình có nguy cơ vi phạm hoặc được phép tồn tại trong HLAT được thống kê, theo dõi, ký cam kết không vi phạm HLAT.
5. 100% vị trí vi phạm pha đất được thống kê và có phương án xử lý.
6. 100% cơ sở, hộ gia đình trong phạm vi quản lý hành lang an toàn lưới điện của đơn vị quản lý vận hành được tuyên truyền về HLAT (bằng nhiều hình thức như qua ứng dụng theo dõi hóa đơn tiền điện, tờ rơi, phát thanh, truyền hình...).
|
Tác giả: Mai Phương - Ban TT. EVNNPC