Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
7 ngày qua, cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành, thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.
Trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4-11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Riêng trong ngày 12/4, toàn quốc ghi nhận 261 ca nhiễm, có 9 bệnh nhân đang phải thở oxy qua mặt nạ. Trong đó, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số ca ghi nhận nhiều nhất (117 ca), Quảng Ninh (34), Hưng Yên (22), Yên Bái (15), Đà Nẵng (11), Phú Thọ (9), Nam Định (8), Vĩnh Phúc (5), Hà Nam (5), Bắc Giang (5), Thái Nguyên (4), Nghệ An (4), Thái Bình (3), TPHCM (3), Cần Thơ (3), Thanh Hóa (2), Tuyên Quang (2), Lâm Đồng (2), Vĩnh Long (2), Cao Bằng (1), Hòa Bình (1), Ninh Bình (1), Gia Lai (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
Bộ Y tế cũng cho hay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, hiện Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.
Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây. Tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến gây nguy cơ dịch chống dịch.
Phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng
Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tỉnh hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo diễu kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung như sau. Cụ thể:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế.
Cùng đó, thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Đồng thời chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế rút SARS-CoV-2 để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các địa phương cũng cần tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo
Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị;
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới.
Cùng đó tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vaccine; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao tự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Theo bản tin phòng, chống dịch COVID-19 ngày 12/4/2023 của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng. Trong ngày có 261 ca mắc mới, có 46 bệnh nhân khỏi và 9 ca đang thở oxy.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.528.303 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.502 ca nhiễm).
Đến nay hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi;
Cũng đến nay đã gần 3,5 tháng Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
|
Link gốc
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tang-cuong-trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-covid-19-khong-de-dich-benh-lay-lan-ra-cong-dong-119230412221054811.htm
Tác giả: Theo https://www.evn.com.vn/