Công tác trên lưới điện là nhiệm vụ thường nhật của công nhân ngành Điện. Tuy nhiên, trước khi ra hiện trường, mỗi công nhân phải hiểu rõ trình tự làm việc và nắm vững các biện pháp an toàn. Theo quy định, đội ngũ làm công tác an toàn luôn tuyên truyền và nhắc nhở công nhân thực hiện đúng các biện pháp an toàn trước khi công tác trên lưới điện.
Việc sinh hoạt an toàn và đầu giờ làm việc mỗi ngày nhằm phổ biến kiến thức, nhắc nhở người lao động trước khi thực hiện công việc. Qua đó giúp người lao động tự kiểm tra, phát hiện khắc phục ngay những thiếu sót, nhằm đảm bảo công việc triển khai một cách thuận lợi, nhanh chóng, đồng thời đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sinh hoạt an toàn hằng ngày tại Đội sản xuất
Theo đó, cứ vào đầu giờ làm việc hàng ngày, Đội trưởng đội sản xuất sẽ sinh hoạt với tất cả các cán bộ, công nhân trong đội quản lý vận hành lưới điện. Buổi sinh hoạt diễn ra trong khoảng 15 phút, tại đây, Đội trưởng sẽ ghi nhận các kiến nghị của an toàn, vệ sinh viên và công nhân về các trường hợp vi phạm an toàn lao động, các mối nguy trên lưới điện có mức độ rủi ro cao hoặc chưa được kiểm soát, phát hiện vào ngày hôm trước (nếu có); Ghi nhận những công việc còn tồn tại ngày hôm trước. Từ đó, cùng với kỹ sư an toàn rút kinh nghiệm, nhắc nhở công nhân tuân thủ chính sách an toàn, vệ sinh lao động của ngành... Sau đó phân công công việc cho từng tổ, nhóm công tác thực hiện công việc trong ngày, đồng thời cấp Phiếu công tác, Lệnh công tác, ghi chép sổ phân công công tác, phối hợp với trực ban vận hành trong công tác bàn giao hiện trường công tác. Đặc biệt, buổi sinh hoạt sẽ được ghi lại và truyền trực tiếp về Phòng An toàn của Công ty Điện lực.
Tự kiểm tra Bảo hộ lao động cá nhân
Sau khi sinh hoạt với đội sản xuất, Người chỉ huy trực tiếp sẽ sinh hoạt với công nhân trong nhóm công tác, kiểm tra Thẻ an toàn lao động, an toàn điện. Đồng thời, xem xét tình trạng sức khỏe, tâm lý của từng công nhân để phân công công việc phù hợp. Nội dung sơ lược các công việc, biện pháp an toàn và biện pháp thi công trong ngày, phạm vi được phép làm việc và các cảnh báo, chỉ dẫn, giải pháp kiểm soát, giảm thiểu rủi ro cũng được người chỉ huy căn dặn kỹ càng trước khi ra hiện trường.
Làm việc trên lưới điện trung thế
Ngoài những công việc trên, việc tiến hành kiểm tra trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân như: quần áo, giầy, nón, dây đai an toàn… kiểm tra dụng cụ an toàn - đo lường - thi công; kiểm tra thông tin liên lạc, vật tư, phụ kiện mang theo: găng tay cách điện, sào cách điện phải có bao bảo vệ bên ngoài, bút (còi) thử điện cao áp phải có hộp hoặc bao đựng... phải được kiểm soát nghiêm, phổ biến kỹ đối với công nhân ngành Điện trước khi vận hành lưới điện.
Những buổi sinh hoạt an toàn hàng ngày rất hữu hiệu, bởi khi ra hiện trường người công nhân cảm thấy rất an tâm, làm việc sẽ hiệu quả hơn. Người công nhân điện cần lưu ý, trong bất cứ tình huống nào an toàn là phải hàng đầu, không có công việc nào quá khẩn cấp và quan trọng để không thực hiện công việc một cách an toàn.
Làm việc không cắt điện (hotline)
Để thực hiện thuần phục những thao tác sửa chữa trên lưới điện, điều đầu tiên là phải ghi nhớ 4 điều cơ bản về an toàn lao động trước khi ra hiện trường. Ngành Điện luôn đặt an toàn lao động lên hàng đầu, đặc biệt là đối với những công nhân thường xuyên công tác trên lưới điện. Bởi người lao động là tài sản quý giá nhất, đảm bảo an toàn cho người lao động chính là đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của ngành Điện.
Công nhân ngành Điện là một trong những ngành đặc thù nhất về an toàn lao động, khi công nhân sửa chữa điện đã nguy hiểm, thì việc trèo cao hoặc sữa chữa điện nóng (hotline) mức độ nguy hiểm càng ở mức báo động đỏ. Bởi vậy việc tuyên truyền, phổ biến công tác an toàn lao động trước khi ra hiện trường là việc làm cần thiết, bắt buộc đối với công nhân ngành Điện nói chung, công nhân vận hành lưới điện nói riêng.
Tác giả: Văn Trường - PC Cà Mau
Trích dẫn: PC Cà Mau